Hơn 1 năm thành lập, mô hình Tổ dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu đã dần quy củ và nền nếp, trở thành nơi tham quan độc đáo của người dân và du khách.
Chị Bhling Thị Xiếc – Tổ trưởng tổ dệt cho biết, sau thời gian hoạt động, đến nay có 15 thành viên tham gia tổ dệt truyền thống, đa số là chị em phụ nữ trong làng.
Ngoài mở cửa phục vụ du khách, đều đặn hằng tuần, không gian tổ dệt là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghề dệt. Qua đó, vừa nâng cao tay nghề cho chị em phụ nữ, vừa góp sức tạo nên sản phẩm độc đáo bán ra thị trường.
“Toàn bộ công thức dệt thổ cẩm đều trải qua quá trình hội ý của các thành viên, nhằm tạo ra các sản phẩm mang giá trị đặc trưng nhất của đồng bào Cơ Tu.
Yếu tố này được đặt lên hàng đầu, bởi thông qua sản phẩm thủ công độc đáo của tổ dệt, chúng tôi mong muốn bảo lưu giá trị văn hóa Cơ Tu một cách nguyên bản, tránh việc cách tân làm sai lệch với truyền thống, nhất là cách phối màu và hoa văn cườm trên nền vải thổ cẩm Cơ Tu” – chị Xiếc chia sẻ.
Hơn 2 tháng trước, tại Lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn lần thứ IV, không gian Tổ dệt thổ cẩm này trở thành nơi đón người dân và du khách tham quan.
Bằng bàn tay tài hoa, những nghệ nhân Cơ Tu trình diễn từng công đoạn dệt thổ cẩm trong niềm thích thú, ngạc nhiên của du khách. Đây thực sự là những trải nghiệm thú vị với du khách khi đặt chân đến làng văn hóa Cơ Tu độc đáo ở Đông Trường Sơn.
Bà Đinh Thị Ngơi – Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, các sản phẩm của Tổ dệt thổ cẩm đã và đang tiếp tục được quảng bá, giới thiệu đến cộng đồng lẫn du khách trong nước và quốc tế.
Sự đa dạng và tinh tế trong cách thức dệt thổ cẩm đã tạo ra các mẫu sản phẩm độc đáo, từ áo khoác, váy xà-lùng cho đến khăn choàng cổ, tấm khố…, giúp tìm được chỗ đứng trong thị trường thổ cẩm miền núi.
“Năm ngoái, tại sự kiện kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Đông Giang, lần đầu tiên các sản phẩm của Tổ dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn được trình làng, trở thành quà tặng ý nghĩa cho đại biểu, khách quý.
Để tạo đà cho định hướng khôi phục làng nghề truyền thống, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển quy mô hoạt động của tổ dệt; đồng thời mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm độc đáo hơn nữa giúp nâng cao thu nhập cho thành viên tổ dệt” – bà Ngơi nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/phuc-hoi-nghe-det-tho-cam-co-tu-3141475.html