“Khéo” trong bảo vệ môi trường
Xã Bình Minh hiện có 118 tàu thuyền. Bình quân sản lượng đánh bắt thủy hải sản của ngư dân trong 3 năm gần đây lên đến 9.000 tấn/năm.
Tuy vậy, các vật dụng bằng nhựa thải trực tiếp ra môi trường biển đã và đang gây ảnh hưởng đến sự sống của nhiều loại sinh vật, dẫn tới suy thoái đa dạng sinh học biển, điển hình là hệ sinh thái san hô.
Nhận thấy điều này, tháng 4/2022, Hội LHPN xã Bình Minh đã thành lập mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền” với sự tham gia của 25 chủ tàu.
Đến nay đã có 40 tàu cá tham gia. Trung bình mỗi tàu cá mang về bờ khoảng 30-50kg rác thải nhựa sau một chuyến biển. Trong có khoảng 80% rác có thể tái chế, còn lại là rác khó tái chế hơn như bao muối, gói thực phẩm.
Rác tái chế như vỏ lon, vỏ chai nước được Hội LHPN thu gom, bán gây quỹ. Tổng kinh phí từ thu gom rác thải bán được đến nay hơn 41 triệu đồng. Từ số tiền này, hội đã hỗ trợ 12 trường hợp phụ nữ khó khăn đột xuất, nhận đỡ đầu 4 trẻ mồ côi và hỗ trợ 6 ngư dân bị sự cố chìm tàu.
Chị Trần Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh cho hay, mô hình đã duy trì nguồn quỹ để đồng hành, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em và ngư dân. Ngoài ra, sự chung tay góp sức của các thành viên mô hình mới thấy được tình yêu đối với biển của mỗi người dân Bình Minh.
“Với họ, biển là cuộc sống, là quê hương và là cả cuộc đời nên bằng cách này hay cách khác tình yêu ấy được thể hiện qua hành động hằng ngày để cùng nhau tuyên truyền, vận động mọi người chung tay bảo vệ môi trường biển” – chị Ngọc nói.
“khéo” trên các lĩnh vực
Hằng năm, Hội LHPN huyện Thăng Bình chỉ đạo cơ sở cụ thể hóa nhiệm vụ của hội và địa phương để xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, đưa vào giao ước thi đua để cơ sở tập trung thực hiện.
Bà Trần Thị Thu Nguyệt – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho hay, hội tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện mô hình “Dân vận khéo” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Từ đó xây dựng, duy trì hoạt động của 139 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực hoạt động của hội.
Điển hình trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hội LHPN đã phát huy vai trò hội viên thông qua các mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 5 có, 3 sạch”, “Phụ nữ phân loại chất thải rắn tại nguồn”…
Nổi bật là Hội LHPN huyện phát động xây dựng 62 tuyến đường phụ nữ tự quản “sáng – xanh – sạch – đẹp” đã xóa được những tụ điểm rác thải tồn đọng lâu năm, tạo cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp tại các địa phương.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên lĩnh vực an sinh xã hội, Hội LHPN các cấp xây dựng được 31 mô hình, thu hút hơn 3.000 lượt hội viên tham gia. Qua các mô hình, thu được hơn 3 tấn gạo và gần 50 triệu đồng giúp cho hơn 300 lượt phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Điểm sáng tiêu biểu trong phong trào “Dân vận khéo” là thời gian qua các cấp hội đã hưởng ứng, triển khai thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Đến nay, hội đang nhận đỡ đầu 282 trẻ với số tiền từ 300 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/tháng/em.
“Hằng năm, hội tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình “Dân vận khéo”, chú trọng nội dung và hình thức sinh hoạt phù hợp với nhu cầu thực tế để thu hút các thành viên tham gia.
Ngoài ra thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo”, kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế để triển khai hoạt động mô hình ngày càng hiệu quả hơn” – bà Nguyệt nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/phu-nu-thang-binh-thi-dua-dan-van-kheo-3147519.html