(QNO) – Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những giải pháp để kết nối quá khứ với hiện tại, mở cánh cửa tương lai.
Nối quá khứ với hiện tại
Từ năm 2018 đến nay, huyện Phú Ninh đã nghiên cứu, biên soạn, in ấn, xuất bản 12 ấn phẩm về truyền thống văn hóa, lịch sử Đảng bộ, về đề tài chiến chiến tranh cách mạng phục vụ công tác giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương.
Trong đó, có 3 tập sách lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930-1954; giai đoạn 1954-1975; giai đoạn 1975-2015; 4 tập sách về văn hóa, nhân vật, sự kiện lịch sử của huyện (Phú Ninh – Đất và Người tập I, II, III, IV); Tập tài liệu giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương; Tập tư liệu 60 năm cuộc đấu tranh tại Miếu Trắng – Chiên Đàn, chứng tích Khánh Thọ, ngã ba An Lâu; 3 tập sách: “Phú Ninh- Đất học”, “Phú Ninh- Những tập thể, cá nhân anh hùng”, “Ao Lầy, Kỳ Thịnh – Ký ức không quên”.
Là một trong những huyện nằm tốp đầu của tỉnh Quảng Nam có các xã, thị trấn sớm hoàn thành việc biên soạn, phát hành lịch sử qua các thời kỳ. 11/11 Đảng bộ xã, thị trấn hoàn thành in ấn, xuất bản lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930-1975. 9/11 xã in ấn, xuất bản giai đoạn 1975-2015. Là một trong 9 địa phương trên toàn tỉnh triển khai biên soạn, in ấn tập tài liệu giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử để đưa vào giảng dạy tại các trường học và lớp bồi dưỡng Nhận thức về Đảng, lớp Sơ cấp LLCT được tổ chức tại huyện.
Nghiên cứu, in ấn, xuất bản ấn phẩm lịch sử Đảng bộ và các ấn phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng là sự kết nối quá khứ với hiện tại, giúp Đảng bộ huyện vận dụng phù hợp những bài học lịch sử vào công cuộc xây dựng và phát triển huyện.
Mở cánh cửa tương lai
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ được đa dạng hóa. Huyện đã biên tập nội dung chuyên đề về lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống đưa vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp Sơ cấp Lý luận chính trị. Ngoài các nội dung chuyên đề theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tâm Chính trị huyện Phú Ninh bố trí giảng dạy nội dung chuyên đề truyền thống văn hóa, lịch sử của huyện. Nội dung này triển khai được 7 năm, từ năm 2016 đến nay.
Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với việc nâng chất lượng học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các trường học trên địa bàn huyện tiếp tục tích hợp nội dung truyền thống văn hóa, lịch sử Đảng bộ địa phương vào nội dung các bộ môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân để giảng dạy trong các cấp học tiểu học, trung học cơ sở, THPT. Đồng thời, gắn với hoạt động trải nghiệm thực tiễn của học sinh tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phú Ninh.
Phú Ninh đã phát động, tổ chức 4 cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ địa phương “78 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và Đảng bộ huyện Phú Ninh; “80 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện Phú Ninh”; “20 năm thành lập tỉnh Quảng Nam, 40 năm ngày khởi công công trình đại thủy nông Phú Ninh”; “Tìm hiểu thân thế, cuộc đời hoạt động và những cống hiến của Phan Châu Trinh”… Cùng với đó, bản tin nội bộ Huyện ủy đã mở chuyên trang tuyên truyền về sự kiện, nhân vật lịch sử huyện Phú Ninh gắn với các sự kiện lịch sử của đất nước, của tỉnh Quảng Nam phục vụ sinh hoạt chi bộ định kỳ.
Cổng thông tin điện tử, sóng Đài truyền thanh – Truyền hình huyện đã mở chuyên mục, chuyên trang “Đất và người Phú Ninh” tuyên truyền về nhân vật, sự kiện lịch sử Phú Ninh. Huyện đoàn biên soạn tập tư liệu “Địa chỉ đỏ” tuyên truyền sự kiện và nhân vật lịch sử của huyện trong đoàn viên thanh niên. Kết hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm đến thăm các di tích lịch sử trên địa bàn, tổ chức thi thuyết trình về di tích lịch sử, về con người Phú Ninh… Vệc in ấn, xuất bản các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ và sự đa dạng hóa trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, góp phần bồi đắp niềm tin, lòng tự hào quê hương, đất nước trong cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ; khơi dậy ý chí, khát vọng, chung tay xây dựng huyện ngày càng phát triển.