Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng chủ trì đoàn giám sát. Dự làm việc với đoàn có ông Lê Văn Ninh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Huỳnh Xuân Chính – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Sau khi Luật có hiệu lực thi từ ngày 1/7/2023, Huyện ủy, UBND huyện Phú Ninh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu ban hành trên 21 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 184 ngày 14/7/2023 về triển khai thi hành Luật; HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 06 ngày 7/5/2024 về quyết định các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện.
Công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở được huyện quan tâm.
Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Trong năm 2023, huyện, xã tiếp công dân 818 lượt/826 người; giải quyết 265/289 đơn (đạt tỷ lệ 91,7%).
Từ năm 2023 đến nay, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội từ huyện đến cơ sở đã tổ chức giám sát 68 cuộc và 40 hội nghị góp ý, phản biện xã hội; trong đó phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở huyện giám sát đối 12 tổ chức và 2 cá nhân…
UBND huyện cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở như việc việc rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước trong cộng đồng dân cư chưa kịp thời.
Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân ở một số địa phương chậm trễ, thiếu tính thuyết phục, chưa tạo được sự đồng thuận cao. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở một số xã hoạt động chưa thực sự hiệu quả…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng cho biết, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có nhiều nội dung mới, toàn diện ở các loại hình dân chủ, nhất là dân chủ xã, phường, thị trấn. Mục đích hoạt động giám sát là nhằm nắm bắt việc thực hiện và kịp thời kiến nghị để việc triển khai Luật đảm bảo hiệu quả.
Ông Nguyễn Phi Hùng thay mặt đoàn giám sát hoan nghênh, ghi nhận kết quả triển khai của huyện Phú Ninh sau hơn 1 năm thực hiện Luật. Đặc biệt là việc tập trung lãnh, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật đến tận cơ sở.
Chỉ ra một số nội dung huyện còn chậm triển khai như chưa ban hành quy chế thực hiện dân chủ xã, thị trấn; chưa xây dựng, ban hành quy chế, quy ước thực hiện dân chủ ở thôn, tổ dân phố…, ông Nguyễn Phi Hùng mong muốn trong thời gian đến, huyện Phú Ninh tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quan tâm công tác tập huấn, tăng cường tuyên truyền, quán triệt Luật đến cơ sở.
“Luật đã quy định rất rõ nhưng việc triển khai một số nội dung ở cơ sở chưa đúng. Huyện cần tuyên truyền, tập huấn kỹ hơn để cán bộ, người dân nắm bắt, biết được quyền hạn, trách nhiệm trong thực hiện” – ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, địa phương cần xác định rõ việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của chính quyền, cụ thể là chính quyền cấp xã. Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội chỉ tham gia tuyên truyền vận động nhân dân để thực hiện Luật và giám sát, phản biện những vấn đề dân chủ ở cơ sở.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận huyện cần ưu tiên kiểm tra, thanh tra, giám sát hàng năm về nội dung thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền để phát huy quyền làm chủ của người dân…
Theo kế hoạch, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại UBND xã Tiên Lộc, xã Tiên Cảnh và UBND huyện Tiên Phước.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/phu-ninh-can-quan-tam-tuyen-truyen-quan-triet-pho-bien-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-3143165.html