Không ngại việc khó
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có 4 hội đồng tư vấn (HĐTV), gồm: Dân tộc – tôn giáo; Dân chủ – pháp luật; Kinh tế – xã hội và Đối ngoại nhân dân với 23 thành viên. Trên cơ sở chương trình công tác của các HĐTV, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch hàng năm về hoạt động của các HĐTV.
Bên cạnh việc “đặt hàng” của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhiều HĐTV đã chủ động đề xuất những nội dung giám sát; trong đó có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai, bồi thường, tái định cư…
Như năm 2023, qua khảo sát thực tế tại Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên, HĐTV Dân chủ – Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã báo cáo kết quả khảo sát và đề xuất Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức đoàn giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp Đông Quế Sơn tại thị trấn Hương An (Quế Sơn).
HĐTV Dân chủ – pháp luật cũng kiến nghị HĐND, UBND tỉnh một số nội dung chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.
Tham gia HĐTV của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ, ông Phan Khắc Chưỡng – Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ – pháp luật cho rằng, việc trao đổi, phối hợp giữa các ban chuyên môn của Mặt tỉnh với các HĐTV là rất cần thiết nhằm phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các HĐTV trong công tác mặt trận.
Để hoạt động của HĐTV hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần chú trọng củng cố, kiện toàn các HĐTV; cơ cấu các thành viên phải nhiệt tình, tâm huyết và có trình độ chuyên môn nhất định trên lĩnh vực liên quan.
Đồng thời có cơ chế phối hợp giữa các HĐTV của tỉnh và các HĐTV, ban tư vấn cấp huyện, xã để kịp thời nắm bắt và tư vấn giải quyết những phát sinh bất cập ngay tại cơ sở; thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nhất là kỹ năng tư vấn…
Với công tác giám sát, phản biện của Mặt trận, ông Chưỡng cho rằng: “Thường trực Mặt trận tỉnh cần xem xét, đánh giá hiệu quả sau giám sát, phản biện; cái gì đã thực hiện, đã khắc phục, nội dung gì chưa… Phải hiệu quả thì dân mới tin; nếu không, việc giám sát, phản biện sẽ không có sức thuyết phục”.
Chọn người uy tín, trách nhiệm
Trong những nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn chú trọng phát huy vai trò của các thành viên cá nhân. Tỷ lệ thành viên là các cá nhân tiêu biểu, người uy tín, chuyên gia trên các lĩnh vực tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa X chiếm 38,46% (35/91 vị).
Trong đó, nhiều ủy viên tham gia các HĐTV của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động, nhất là hoạt động khảo sát, giám sát, phản biện xã hội…
Ông Nguyễn Anh Cả – Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế – xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, vừa tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, vừa là thành viên trong HĐTV qua 2 nhiệm kỳ, bản thân thường xuyên nghiên cứu và tham dự đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao hiểu biết về nội dung, phương pháp, vai trò hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận.
Theo ông Cả, công tác giám sát và phản biện xã hội là hoạt động mới và khó khăn, đòi hỏi các thành viên HĐTV phải tập trung nghiên cứu, lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát – khảo sát đáp ứng yêu cầu thực tế, được xã hội quan tâm, mang lại quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đa số nhân dân.
Ông Trần Hữu Quang – Trưởng phòng Thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo Thanh tra tỉnh Quảng Nam (thành viên HĐTV Dân chủ – pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác mặt trận, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần tiếp tục quan tâm tính tiêu biểu, thiết thực trong cơ cấu, lựa chọn các thành viên cá nhân tham gia ủy viên khóa mới, đảm bảo sự tham gia của các cá nhân tiêu biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và những người có chuyên môn nghiệp vụ trong các lĩnh vực công tác liên quan đến công tác mặt trận.
Ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, các HĐTV của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hoạt động tốt hay không tập trung vào vai trò cá nhân ở các hội đồng.
Nếu thành viên HĐTV năng nổ, tích cực, tâm huyết đồng thời có sự am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn sẽ đề xuất Mặt trận những nội dung sát thực.
Trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh những thành viên HĐTV trách nhiệm, làm hết mình, tham gia nhiều ý kiến xác đáng; một số thành viên mặc dù có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, nhưng còn bị chi phối bởi công việc riêng, nên thời gian dành cho công tác mặt trận chưa nhiều.
Để HĐTV hoạt động tốt thì vai trò chủ trì, điều phối, đặt hàng của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là rất quan trọng. Sau đại hội, Ban Thường trực sẽ tổng kết nhiệm kỳ hoạt động HĐTV, sau đó rà soát, tìm hiểu, phát hiện và mời chuyên gia, những cá nhân tiêu biểu ở các lĩnh vực, nhất là quy hoạch đất đai môi trường, xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nông thôn mới… để tham gia các HĐTV.
“Mặt trận phải chọn và phát hiện được người tâm huyết để tham gia các HĐTV. Việc này cũng giống như làm công tác nhân sự khóa mới, phải chọn người nhiệt tình, hiểu biết công việc liên quan” – ông Hùng nhấn mạnh.
Hơn 3.500 cuộc giám sát, phản biện xã hội
Với phương châm “Chủ động – Cụ thể – Chặt chẽ – Chất lượng”, trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động lựa chọn nội dung, đối tượng và chủ trì tổ chức 2.451 cuộc giám sát chuyên đề (trong đó cấp tỉnh giám sát 29 cuộc, cấp huyện 373 cuộc, cấp xã 2.049 cuộc); các tổ chức chính trị – xã hội các cấp chủ trì, tổ chức 5.801 cuộc giám sát.
Mặt trận các cấp chủ trì tổ chức 1.085 cuộc phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Sau giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp ban hành 3.329 văn bản kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải quyết và trả lời bằng văn bản theo quy định (đạt 79,84%).
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương chủ trì tổ chức 7 hội nghị lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định cư lớn, nguy cơ tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E; dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam…(T.ĐAN)
Mặt trận không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ
Trong nhiệm kỳ 2019 – 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp huyện tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò các tổ chức tư vấn, đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cá nhân tiêu biểu, người uy tín trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo… tham gia công tác mặt trận, nhất là hoạt động tư vấn, phản biện xã hội. Ngoài 4 hội đồng tư vấn cấp tỉnh, Mặt trận cấp huyện thành lập 30 ban tư vấn với 191 thành viên.
Ban công tác mặt trận khu dân cư được sắp xếp, tổ chức theo quy định. Toàn tỉnh có 1.240 ban công tác mặt trận khu dân cư đã tổ chức tổng kết hết nhiệm kỳ và hiệp thương cử ban công tác mặt trận nhiệm kỳ mới theo quy định.(V.ANH)
Nguồn: https://baoquangnam.vn/phat-huy-trach-nhiem-cua-cac-hoi-dong-tu-van-3139970.html