Tinh gọn, giảm đầu mối bên trong
Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18 nêu trên, UBND TP.Tam Kỳ còn 11 cơ quan hành chính, 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc (giảm 6 cơ quan, đơn vị); còn 9 tổ chức hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Các xã, phường còn 85 thôn/khối phố (giảm 24 thôn/khối phố).
Ông Phạm Hoàng Đức – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ nhìn nhận, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy tại Tam Kỳ được thực hiện khá tốt. Các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng định hướng.
Hầu hết các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, sáp nhập hoạt động hiệu quả, gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Tại Sở Kế hoạch – Đầu tư, sau khi rà soát, đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các phòng chuyên môn, sở đã thực hiện việc hợp nhất 2 phòng có chức năng tương đồng, để còn 7 phòng chức năng và 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Theo ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, sở ưu tiên hàng đầu là công tác quy hoạch gắn với xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức tại các phòng chuyên môn. Từ đó, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, phù hợp với vị trí việc làm.
“Việc bố trí, sắp xếp nhân sự theo đề án vị trí việc làm từng bước được thực hiện, tạo điều kiện phát huy năng lực, trình độ chuyên môn. Sở cũng thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 14 công chức theo Quy định số 455 ngày 28/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…” – ông Văn chia sẻ.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa cho biết, từ tháng 6/2017 đến tháng 10/2024, UBND tỉnh giảm 2 đầu mối tổ chức, đơn vị trực thuộc; các sở ngành giảm 34 đầu mối trực thuộc; giảm 26 đầu mối tổ chức hành chính thuộc chi cục và tương đương; UBND cấp huyện giảm 19 phòng. Việc tinh giản biên chế đảm bảo yêu cầu giảm tối thiểu 10% biên chế đến năm 2021 theo chỉ đạo của Trung ương; tỉnh tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2026 theo lộ trình.
“Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã tiến hành tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18, phân tích những mặt đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất Ban Chỉ đạo của Tỉnh ủy phương án sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian đến. Dự kiến sau sắp xếp, khối chính quyền tỉnh sẽ giảm 7/28 đầu mối cấp tỉnh (tỷ lệ 25%), giảm khoảng 20% đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị; giảm 34 phòng chuyên môn cấp huyện…” – bà Hoa chia sẻ.
Đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 đã góp phần kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối bên trong, cơ cấu hợp lý, khắc phục tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Đồng thời giảm số lượng cấp trưởng, cấp phó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; sắp xếp lại theo hướng tập trung ở một số ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có năng lực tự chủ và quản lý điều hành tốt.
Với kết quả đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để triển khai thực hiện tốt tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Quảng Nam trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cấp, ngành mà trước hết là người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần hết sức khẩn trương “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng lưu ý, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải khắc phục tư tưởng giữ đầu mối, giữ cán bộ; đặc biệt cán bộ lãnh đạo phòng, giữ biên chế. Bởi mục tiêu cuối cùng của cuộc sắp xếp này là tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm cho được biên chế. Đồng thời kiên quyết sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở với phương châm “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”. Theo đó, phải chọn được cán bộ tốt.
“Cán bộ có năng lực yếu, làm việc cầm chừng, thiếu tâm huyết, trách nhiệm thì nên xin thôi, để bố trí người khác thay thế. Có như vậy, sau sắp xếp tổ chức bộ máy mới phát huy hiệu năng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.
Cũng theo người đứng đầu UBND tỉnh, ngoài chế độ chính sách theo quy định của Trung ương, Quảng Nam cũng nên có chính sách vượt trội của tỉnh để động viên những người có thể nghỉ hưu hoặc thôi việc ngay.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai chính sách đối với cán bộ diện sắp xếp, đảm bảo thông tin chính sách đầy đủ, đảm bảo quyền lợi của cán bộ sau sắp xếp; nghiên cứu đề xuất chính sách của tỉnh (nếu cần thiết).
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cũng lưu ý, chính sách lần này đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, gắn chính sách tinh giản biên chế với sàng lọc, lựa chọn, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; đảm bảo tương quan hợp lý giữa các đối tượng, không thiệt thòi cho CBCCVC, người lao động thuộc diện sắp xếp; đồng thời, phải giữ chân người có năng lực ở lại.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18, Quảng Nam đã giảm 101 đầu mối trong các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; các cơ quan thuộc khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh; khối chính quyền cấp tỉnh; cấp huyện. Tinh giản 6.393 biên chế trong toàn hệ thống chính trị (đạt tỷ lệ tinh giản 15% biên chế công chức và 20% biên chế viên chức). Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 192 đơn vị.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/sap-xep-tinh-gon-to-chuc-bo-may-tai-quang-nam-phat-huy-hieu-nang-hoat-dong-hieu-qua-3146969.html