Tôi sinh ra ở đảo. Một thời gian vào đất liền sinh sống, khi chọn trở lại và ở hẳn với Cù Lao Chàm, tôi càng trân quý hơn những gì vùng đất mình đang có.
Năm 2024 là năm đánh dấu kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Thời điểm này cũng là giai đoạn cho những bước tiến trưởng thành trong hành trình “Nói không với túi ni lon và các sản phẩm nhựa dùng một lần” tại Cù Lao Chàm.
Một hòn đảo xanh – sạch – lành trong mắt bạn bè khắp nơi. Người dân đảo chúng tôi đều tự hào khi giới thiệu những điều này cho người tìm đến.
Bình minh lên từ phía đông của đảo. Đây là nơi hứng toàn bộ gió của đảo. Khoảnh khắc từ đường chân trời xuất hiện những tia sáng xanh cho đến lúc bình minh xuất hiện là khắc đầu ngày kỳ diệu nhất mà người dân đảo muốn giới thiệu với khách. Người dân gọi đây là hòn Lao. Hòn Lao có hình thế mũi giáo, nơi đa số tàu bè cư dân neo đậu.
Tên những đảo nhỏ được đặt theo hình dáng và thảm thực vật nơi đó có. Những ngày mùa xuân, dọc con đường Bãi Xếp, Bãi Làng, Bãi Hương… thắm sắc đỏ của hoa ngô đồng nở rộ.
Tôi thường hay bảo khách, tạo hóa khéo ban tặng cho Cù Lao Chàm những điều kỳ diệu. Một bên là núi, một bên là biển, hoa ngô đồng đỏ nhỏ bé nằm trong lòng biển và núi an tâm nở rộ và tỏa sắc, mặc kệ mưa nắng. Khung cảnh của con đường hoa ngô đồng đẹp tựa một bức họa do biển xanh, mây trời và những vách núi tạo nên.
Từ cây ngô đồng, những người phụ nữ xứ đảo chúng tôi có nghề đan võng ngô đồng. Những kỳ công và độc đáo từ nguyên liệu cho đến kỹ thuật, cả câu chuyện dài trăm năm theo từng sợi võng, là những vốn quý thiêng liêng mà phụ nữ xứ đảo muốn giữ làm… của riêng.
Võng ngô đồng là đời sống của đàn bà xứ đảo, với khởi nguyên của nó là vật dụng để người đàn ông trong nhà nghỉ ngơi sau mỗi chuyến lênh đênh biển cả.
Nhà nào ở đảo cũng có một chiếc võng ngô đồng vắt qua 2 cội cây trước sân nhà. Năm 2023, nghề đan võng ngô đồng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Danh hiệu trở thành niềm tự hào cho nghề truyền thống mà đàn bà xứ đảo giữ gìn.
Những ngày giữa tháng 4, cù lao lại rộn ràng với lễ giỗ tổ nghề yến – một trong những tập tục thiêng liêng mà người dân xứ đảo thực hành. Đó là sự tri ân, tưởng niệm bậc tiền nhân có công trong việc phát triển và khai thác yến sào ở đảo, cũng là hoạt động cầu an đầu năm mới, đề cao ý thức bảo vệ tài nguyên của đảo.
Tôi trở lại Cù Lao Chàm sau mấy năm làm việc ở đất liền. Như một cơ duyên, khi chồng tôi cũng là người gốc ở đảo. Ba chồng tôi am hiểu hầu hết mọi thứ trên đảo, gần như cả kho tàng tri thức dân gian bản địa, ông đều nắm vững.
Từ nghề làm trà lá rừng, nghề làm nương rẫy – trồng lúa trên đảo cho đến nghệ nhân tranh mây ở đảo, ông đều rành rẽ. Lẽ vì thế, khi về đảo trở thành một tour guide bản địa, tôi luôn muốn khách đặt chân đến Cù Lao Chàm sẽ trải nghiệm sâu bên trong vùng đất – nơi có những người dân sống và yêu quý đảo bằng tất cả trái tim mình…