Đồng bộ nhiều chương trình
Những năm gần đây, Núi Thành không ngừng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan chính quyền để theo kịp với xu thế phát triển của thời đại 4.0. UBND huyện đã thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND huyện lên cổng thông tin của địa phương phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu của cán bộ, công chức, doanh nhiệp và nhân dân. Điều này góp phần vào việc công khai hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, phục vụ ngày càng hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hệ thống quản lý văn bản Q-office tập trung được triển khai đến tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện kết nối trục liên thông văn bản Chính phủ và tích hợp chữ ký số chuyên dùng, phục vụ gửi nhận văn bản điện tử đối với hầu hết các văn bản thông thường.
“Núi Thành đã triển khai các dự án CNTT, camera an ninh, đài IP và phối hợp với Sở TT-TT thực hiện khảo sát lắp đặt các trạm BTS trên địa bàn. Rà soát thống kê các vùng lõm sóng, trắng sóng trên địa bàn. Duy trì có hiệu quả hệ thống hội nghị trực tuyến và đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo kết nối thông suốt từ huyện đến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu họp trực tuyến giữa cơ quan Nhà nước” – Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Lê Văn Sinh cho biết.
Đồng thời, Núi Thành phát triển nhân lực số bằng việc cử cán bộ cấp huyện, xã tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng CNTT, an toàn thông tin, công tác chuyển đổi số… do tỉnh tổ chức. Và triển khai tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số cho cán bộ công chức, các tổ công nghệ cộng đồng.
Việc phát triển xây dựng chính quyền số đã tạo nên nhiều thuận lợi trong công việc khi ứng dụng phần mềm QOffice phiên bản nâng cấp theo đúng quy trình về tiếp nhận, ban hành văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số trực tiếp trên phần mềm và 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận qua hệ thống phần mềm một cửa.
Tất cả phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai ứng dụng phần mềm một cửa điện tử trong việc giải quyết TTHC cho công dân, 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư công vụ của tỉnh vào xử lý công việc…
“Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền dịch vụ công toàn trình và dịch vụ công một phần, thanh toán trực tuyến với nhiều hình thức phong phú đa dạng như hội nghị, tập huấn, tờ rơi, video, pano… nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, đến nay đã có 100% các nhà văn hóa thôn, khối phố có lắp đặt wifi phục vụ người dân giúp tăng tỷ lệ tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến được tăng lên” – ông Lê Văn Sinh cho biết.
Cải thiện chỉ số xếp hạng
Sự vào cuộc trong chuyển đổi số được cả hệ thống chính trị quan tâm khi trong năm 2024, Huyện ủy, HĐND huyện đã kịp thời ban hành nhiều văn bản về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trên địa bàn. Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, bước đầu đạt được một số kết quả khi nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Sinh nhìn nhận, việc nhận thức về vị trí, vai trò của chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự tốt, chuyển biến chưa rõ nét. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cũng như một phần còn thấp, thanh toán trực tuyến chưa đạt được kế hoạch đề ra, vẫn còn tình trạng trễ hạn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính…
Do đó, địa phương này xác định năm 2025 sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là khâu kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số. Và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khi xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phải xác định cụ thể nội dung, thời hạn, yêu cầu kết quả.
Đồng thời, rà soát hiện trạng, đề xuất nâng cấp hệ thống mạng, bảo mật, trang thiết bị CNTT, các hệ thống khác phục vụ chuyển đổi số như phòng họp trực tuyến, kết nối mạng WAN, hệ thống wifi, camera, phòng chống virus… Đề xuất bổ sung nội dung phát triển hạ tầng số tới cấp xã, thị trấn như trang bị máy tính, máy in, máy scan, mạng LAN, internet tốc độ cao, kết nối WAN, chữ ký số; sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.
Tập trung thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, đơn giản hơn thực hiện trực tiếp trên cơ sở số hóa, tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử. Thực hiện các nhiệm vụ nhằm cải thiện các chỉ số và đánh giá, xếp hạng về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số của huyện.
UBND cấp xã thực hiện vận hành trang thông tin điện tử của địa phương để phục vụ hoạt động và cung cấp thông tin cho tổ chức và công dân. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo…
Triển khai tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khối phố tại các xã, thị trấn để thông tin tuyên truyền về công tác chuyển đổi số đến nhân dân. Các tổ công nghệ cộng đồng sẽ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công như hướng dẫn cài đặt và khai thác các ứng dụng smart Quảng Nam, eGov Quảng Nam, tổng đài dịch vụ công 1022…
“Người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, từ đó là việc làm cụ thể tại cơ sở để cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số” – ông Lê Văn Sinh nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nui-thanh-tap-trung-xay-dung-chinh-quyen-so-3144789.html