Gian hàng bánh dân gian Nam Bộ lúc nào cũng chật kín người ở hội chợ mua sắm hàng ẩm thực Việt Nam – Thái Lan, diễn ra liên tiếp trong các ngày của tuần đầu tháng 7.
Hơn chục gian hàng bánh lúc nào cũng bốc khói nghi ngút xen lẫn các hương vị đặc trưng – mùi thơm của vị sữa, lá dứa, nước cốt dừa… đã níu chân người dân xứ Quảng dừng lại, thưởng thức.
Bánh Nam Bộ lúc nào cũng bắt mắt. Nó đến từ các loại lá của miệt vườn miền Tây, từ các loại cây cỏ đặc trưng của phù sa Cửu Long. Điều nữa, là bánh dân gian nên nó khởi nguồn từ đời sống của người dân xứ đó, với hạt lúa hạt gạo gắn cùng hơi thở.
Chính vậy, nên đặc trưng của bánh dân gian Nam Bộ là món nào cũng làm bằng gạo, nếp, ngũ cốc hoặc bột gạo, bột nếp kèm với nhân, sau đó chế biến qua lửa (nấu, hấp, nướng) để làm chín bánh.
Tôi dừng ở gian hàng bánh của nghệ nhân Trần Lê Thị Huệ Linh – với thương hiệu Cô Mười Cần Thơ. Bà “tha” từ lò hấp, tủ đông, bếp, nồi, chưa kể hàng trăm ký nguyên liệu làm bánh từ Cần Thơ về miền Trung để giới thiệu một cách “tròn vị” nhất bánh truyền thống của người Nam Bộ.
Đôi tay xoay tròn như múa, vài phút sau, một mẹt bánh chuối hấp, bánh ít trần, bánh da lợn… đã kịp thành hình. Nếu bánh ít trần, bánh bột báng có nhân mặn được rim trước khi nhào bột, thì các loại bánh ngọt như bánh bò, bánh da lợn, bánh khoai mì lại thơm ngọt vị của sữa tươi, lá dứa.
Gần 10 ngày ở hội chợ xứ Quảng, gian hàng bánh của cô Mười Cần Thơ lúc nào cũng đông đúc người đứng xem cách nghệ nhân làm bánh. Kích thích từ mắt nhìn để họ phải móc túi ra thưởng thức chiếc bánh tươi ngon và nóng hổi ở ngay gian bếp người thợ.
Trong khi các loại bánh của người Cần Thơ đủ các sắc màu – thoạt liên tưởng như màu sắc của những chuyến ghe ở vùng chợ nổi Cái Răng, thì ghé qua gian hàng bánh An Giang, lại thấy ấn tượng ngay gam màu đỏ trầm của trái thốt nốt An Giang.
Vùng Bảy Núi (An Giang) nổi tiếng với nhiều món đặc sản làm từ cây thốt nốt – loại cây trồng chỉ xứ sở này mới có. Từ trái thốt nốt, người ta làm ra đường, chè, rượu và bánh bò thốt nốt. Đây cũng là loại bánh đặc sản xứ Nam Bộ được thực khách gần xa biết tiếng.
Nghệ nhân Khơ-me Nam Bộ đầu vấn chiếc khăn rằn, cứ chậm rãi từng công đoạn để có được miếng bánh bò thốt nốt tươm màu óng ả, theo đúng màu đường thốt nốt. Món bánh bò xem chừng mộc mạc nhưng lại khá kỳ công.
Đường thốt nốt được đun chảy ra rồi ủ cùng với bột theo những bí quyết khác nhau của người quen tay. Có người phải mài trái thốt nốt, lại có người phải sử dụng bơ và sữa hay gia giảm thêm bột nở. Nhưng trên tất cả, đúng như tên gọi, bánh bò thốt nốt phải dậy hương và có vị ngọt thanh của trái thốt nốt xứ đất An Giang.
Rời những gian hàng bánh dân gian Nam Bộ, mắt như còn dán chặt vào những sắc xanh đỏ hấp dẫn từ mẹt bánh tằm khoai mì dân dã…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/no-mat-cung-banh-dan-gian-nam-bo-3137878.html