Bao giờ thênh thang?
Hội An có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết vùng, nhất là trong liên kết phát triển du lịch. Bởi bắt đầu từ vị trí, đây là địa phương thuộc cụm động lực tăng trưởng phía bắc của tỉnh cũng như nằm trong khu vực có chuỗi đô thị ven biển trọng điểm miền Trung. Những năm gần đây, giao thông đối ngoại tại Hội An đã được thúc đẩy, đáp ứng phần lớn yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Tuyến ĐT603 (ven biển Đà Nẵng – Hội An) được nâng cấp từ cách đây khoảng 20 năm, chính là chuyển động đầu tiên để thức giấc đô thị một thời gán với danh xưng “thị xã dưỡng già”.
Cầu Cửa Đại, cầu Cẩm Kim hình thành đã giúp Hội An “phá vỡ” sự chia cắt giao thông với phía nam. Cùng với một số đường tỉnh cũng đã được nâng cấp trong vài năm gần đây như ĐT607 hay ĐT608 (hai tuyến nối Hội An – Điện Bàn – Mỹ Sơn), du khách từ các ngả đường về với đô thị di sản này đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Dù đường sá đã thông thoáng nhưng chưa thể gọi là thênh thang. Tuyến ĐT603 sau khoảng 2 thập kỷ đầu tư bắt đầu có dấu hiệu không theo kịp sự phát triển. Hiện tuyến này hạn chế xe tải trọng lớn để trước mắt phục vụ nhu cầu dân sinh và du lịch.
Hai tuyến đường tỉnh nối giữa Điện Bàn và Hội An cũng gặp những rào cản. Tuyến ĐT607 đến địa phận Hội An bị thu hẹp (đường hai chiều) do khó khăn về mặt bằng đồng thời cũng còn một số đoạn chưa hoàn thiện do vướng mặt bằng.
Trong khi tuyến ĐT608 còn một đoạn ngắn chưa thể giải phóng mặt bằng gần ngã ba Lai Nghi (khu vực giáp ranh giữa Điện Bàn và Hội An) tạo nên “nút thắt cổ chai” ảnh hưởng lớn đến giao thông.
Đặc biệt, cầu mới Cẩm Kim mở ra đã khiến cầu Duy Phước (hay gọi là cầu Bà Ngân) càng trở nên lạc hậu với thời cuộc. Nhu cầu giao thông giữa Duy Xuyên và Hội An qua tuyến quốc lộ 14H hiện rất lớn nhưng mặt cầu Duy Phước chỉ rộng 3,5m khiến xe cộ phải nối đuôi chờ tránh nhau trong các khung giờ cao điểm.
Ông Văn Anh Tuấn – Giám đốc Sở GTVT cho hay, phía sở rất ủng hộ quan điểm nâng cấp cầu Duy Phước nằm trên tuyến quốc lộ 14H. Trước đây cơ quan chức năng cũng có xem xét đưa vào danh mục dự án ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An nhưng gặp khó khăn về vốn. Công trình này sở sẽ có kiến nghị với Bộ GTVT, nếu Bộ không đầu tư thì sẽ kiến nghị dùng ngân sách tỉnh để đầu tư.
Được biết, công trình cầu Duy Phước và đường dẫn thuộc danh mục ưu tiên đầu tư theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt nên UBND tỉnh đã đề nghị Sở KH-ĐT nghiên cứu, tham mưu tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030.
Giao thông cho tương lai
Theo định hướng quy hoạch giao thông TP.Hội An từ đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, giao thông xanh gắn với phát triển đô thị sinh thái là một nội dung quan trọng.
Trong đó chính quyền Hội An xác định sẽ tổ chức các cửa ngõ đa phương thức, hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, xây dựng dựa trên dự án chia sẻ xe đạp tại Hội An và mở rộng mạng lưới giao thông xanh trên toàn lãnh thổ.
Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Thời gian gần đây, dù nỗ lực để thiết lập các bãi đỗ xe tại một số cửa ngõ vào trung tâm thành phố như khu vực làng gốm Thanh Hà, ngã tư đường Nguyễn Tất Thành – Hai Bà Trưng… gắn với việc phân luồng, tiến tới hạn chế xe trọng tải lớn vào trung tâm nhưng vào những khung giờ cao điểm, giao thông ở các trục nội thị vẫn rất nhốn nháo.
KTS.Lương Ngọc Trung – chuyên gia quy hoạch, đại diện Liên danh tư vấn Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An, cho hay: “Chúng tôi đã tư vấn thiết lập 2 tuyến giao thông xanh quan trọng cho Hội An nhằm định hình phục vụ du lịch cũng như tương thích với định hướng phát triển đô thị sinh thái của thành phố.
Ngoài ra, hệ thống cầu, bến bãi của thành phố trong tương lai cũng sẽ có những đột phá để mở rộng giao thông bằng đa phương thức qua các hành lang mới để chia sẻ áp lực với mạng lưới giao thông hiện tại”.
Từ nhiều năm trước, giao thông xanh ở Hội An đã được chú trọng. Với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, hàng trăm chiếc xe đạp tạo nên hệ thống chia sẻ xe đạp công cộng được đưa vào phục vụ du khách và cộng đồng từng gây tiếng vang một thời, thậm chí từng được Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển (Đức) chọn trao giải thưởng “Giao thông đô thị toàn cầu” nhưng đang dần chìm vào lãng quên.
Mục tiêu nâng tỷ lệ người tham gia giao thông bằng xe đạp tại Hội An lên đến 40% vào năm 2025 như mục tiêu của dự án cũng khá xa vời.
Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để mọi nẻo đường về Hội An đều thênh thang đồng thời “xanh hóa” giao thông nội thị phố Hội như kỳ vọng…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nhung-neo-duong-ve-pho-hoi-3139356.html