Nuôi heo đen
Tháng 7/2023, được chính quyền hỗ trợ 20 con giống heo đen, 10 hộ dân thôn 2 (xã Trà Vinh) phối hợp thành lập nhóm thực hiện mô hình chăn nuôi này. Quyết tâm chăm sóc, nay đàn heo đã tăng lên gần 70 con, phát triển khỏe mạnh.
Đến phiên trực của mình, ông Trần Thanh Tên (trưởng nhóm heo đen) chăm chỉ cho đàn lợn ăn. Nhìn những con heo đen béo núc đang sục vào máng ăn, ông Tên vui mừng chia sẻ: “Cũng nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện từ Đảng ủy, UBND xã Trà Vinh đã cung cấp giống, tạo nhóm chăn nuôi tập trung nên mới có mô hình hiệu quả thế này.
Ban đầu nhóm gặp không ít khó khăn do chưa nắm bắt được cách thức chăn nuôi và việc đi lại nhiều bất tiện bởi chuồng trại được dựng bên kia suối. Thế nhưng chính quyền các cấp đã mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng chăn nuôi, thú y cho đàn heo. Và nhất là khi UBND xã hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh qua suối, người dân chúng tôi đi lại dễ dàng, chăm sóc heo thuận tiện, an toàn hơn vào mùa mưa lũ”.
Cũng theo ông Tên, hiện tại mô hình được chăn nuôi trên diện tích 2ha, nằm ở khu vực không có dân cư sinh sống, việc chăn nuôi đảm bảo sạch sẽ, không ảnh hưởng đến môi trường. Đến nay lứa heo đen này đã bán được gần 20 con thịt với giá 120.000 đồng/kg và hơn 40 con giống với giá 1,5 triệu đồng/10kg. Trong năm 2024, nhóm đã xuất chuồng 2 lần, thu nhập trên 50 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả từ mô hình điểm, ông Nguyễn Văn Vân (thôn 2, xã Trà Vinh) cũng bắt tay nuôi heo đen vào cuối năm 2024. Sau hơn 4 tháng học hỏi, chăn nuôi, đàn heo 15 con của ông Vân cũng đã phát triển mạnh, nhiều người đến hỏi mua.
“Làm nương rẫy mãi mà đời sống vẫn không phát triển, tôi tìm hiểu và chăn nuôi thêm heo đen. Hiện đàn heo khỏe mạnh, thị trường cũng rộng mở, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nam Trà My cũng đã hỏi mua, tôi yên tâm chăn nuôi. Nếu bán được giá, không dịch bệnh, tôi dự tính sẽ mở rộng diện tích, làm chuồng rộng hơn, tách heo con để nhân rộng mô hình này” – ông Vân nói.
Không chỉ ông Vân, nhiều hộ dân xã Trà Vinh thấy được hiệu quả từ mô hình heo đen của nhóm 10 hộ tại thôn 2 đã đến học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu chăn nuôi. Đàn heo sinh sản, phát triển tốt, mô hình heo đen tại xã Trà Vinh được Huyện ủy Nam Trà My khen thưởng “Dân vận khéo” năm 2024.
Nuôi dê cỏ
Tập trung nuôi dê cỏ từ năm 2024, đàn dê 50 con của nhóm 10 hộ tại thôn 1, xã Trà Vinh đến nay đã sắp tới kỳ sinh sản. Phấn khởi chăm đàn dê qua mùa lạnh giá, ông Trần Quốc Hải (trưởng nhóm) chia sẻ: “Nguồn thức của dê ở đây chủ yếu là cỏ, chuối, lá rừng. Giá cả thị trường cũng khá ổn định, bán từ 150.000 – 170.000 đồng/kg hơi. Các hộ cùng tham gia sẽ hỗ trợ nhau trong cách thức chăn nuôi, cũng như chăm sóc tốt hơn khi dê bệnh. Chính quyền địa phương rất quan tâm chúng tôi, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thuốc men, thú y, cách chăm sóc…”
Bên cạnh chăn nuôi theo nhóm, ông Hải còn có thêm đàn dê 15 con tại gia. Ông Hải cho biết nhờ có nguồn thức ăn tại địa phương, dễ kiếm nên không tốn kém nhiều. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là khí hậu, dê cỏ lạnh, chậm phát triển, dễ mắc bệnh.
Nhóm có 10 thành viên, tổ trưởng phân công nhiệm vụ cho từng hộ chăm sóc dê mỗi ngày và theo dõi bệnh tật của từng con dê. Khi trở trời, người dân sẽ đốt lửa, che chắn quanh chuồng trại, bắt đèn điện cho dê được ấm. Lúc dê mắc các bệnh thường gặp như đau mắt, viêm phổi, nghẹt mũi… chính tay những người tổ trưởng, tổ phó đã được tập huấn thú y sẽ chữa trị cho vật nuôi.
Cũng là một trong những hộ dân tiên phong nuôi dê cỏ tại vùng núi cao này, ông Hồ Văn Gương (thôn 2, xã Trà Vinh) đã cải thiện đời sống rõ rệt với doanh thu gần 100 triệu đồng/năm từ dê cỏ. Bắt tay thử nghiệm từ vài con dê giống, nay đàn dê của ông Gương đã sinh sản, khỏe mạnh gần 50 con.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông còn “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ giống dê cỏ với giá ưu đãi cho người dân trong làng. Những hộ dân nuôi dê cỏ được Huyện ủy khen thưởng “Dân vận khéo”, cải thiện được thu nhập gia đình như hộ ông Hồ Văn Dương, Hồ Văn Quý… lúc bắt đầu chăn nuôi cũng nhờ có ông Gương hỗ trợ.
[VIDEO] – Những mô hình chăn nuôi hiệu quả tại xã Trà Vinh được biểu dương “Dân vận khéo” năm 2024
Gà ri
Thí điểm mô hình nuôi gà ri nơi rẻo cao, nay đàn gà ri của bà Trần Thị Quê (thôn 1, xã Trà Vinh) đã cho hiệu quả bước đầu. Bắt đầu nuôi gà ri từ tháng 9/2024 với 500 con, thông qua học hỏi kinh nghiệm và lấy giống từ người dân Tắk Pổ (xã Trà Tập), bà Quê nay đã thu về gần 100 triệu đồng.
Chuẩn bị nhập đợt giống kế tiếp, ông Bờ Loong A Nhiếp (chồng bà Trần Thị Quê) cho biết: “Giống gà ri này rất dễ nuôi, sức đề kháng cao, thời tiết lạnh nhưng vẫn chống chịu tốt. Gà nuôi bằng phương pháp thả vườn, thịt gà săn chắc, thơm ngon nên cũng rất dễ bán”.
Ông Nhiếp cho hay, khó khăn nhất là lúc mới đem về nuôi giống gà này, vợ chồng ông phải trực thường xuyên để gà khỏi đè nhau và tìm cách che chắn chuồng trại để gà khỏi bị lạnh. Sau một thời gian chăn nuôi, gà khỏe mạnh, bán được hơn 400 con với giá 120.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.
“Trước đây tôi cũng cố gắng làm ăn, nuôi heo, chăn dê, bò, trồng keo, quế… nhưng đời sống vẫn còn nhiều bấp bênh. Đến nay nuôi thêm gà ri, thu nhập ổn định, gia đình khấm khá hơn. Đồng thời, gia đình tôi cũng được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ vacxin cho gà khi mùa dịch bệnh đến” – ông Nhiếp nói.
Năm 2024, xã Trà Vinh có 8 mô hình (trong đó có 5 mô hình chăn nuôi heo đen, dê cỏ và gà ri) được Huyện ủy Nam Trà My công nhận, khen thưởng là mô hình “Dân vận khéo”. Đến nay, các mô hình chăn nuôi đó vẫn rất hiệu quả, phát triển mạnh, sinh sản tốt. Các mô hình này lan tỏa, được nhiều người dân hưởng ứng, học hỏi chăn nuôi và đang nhân rộng. Nhờ có các mô hình kinh tế hiệu quả, đời sống của người dân ổn định hơn. Năm 2024 có 42 hộ đăng ký thoát nghèo”.
Ông Hồ Văn Huyện – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vinh
[VIDEO] – Ông Hồ Văn Huyện – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vinh
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nhung-mo-hinh-chan-nuoi-hieu-qua-tai-xa-tra-vinh-3149495.html