Bản phả ký chép trên vải
Nhà thờ tộc Đinh ở thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ còn lưu bản phả hệ được chép trên một tấm vải trắng dệt thủ công, gia tộc này gọi là “vải tám”.
Trên tấm vải rộng khoảng 1,2 mét, dài khoảng 3,6 mét này ghi chi tiết về thế thứ các đời. Cạnh đó, tên họ người tộc Đinh cùng người phối ngẫu, các tử tôn được sinh hạ, nơi định cư của từng thành viên qua từng đời, nơi an táng cùng ngày kỵ giỗ cũng được ghi chép rõ.
Tất cả chi tiết nêu trên được bố trí theo sơ đồ chiều thẳng đứng – đúng theo kiểu viết trên cuốn thư khổ dài của thời nho học xưa. Người thể hiện bản gia phả đã theo đúng quy tắc “sinh chu – tử mặc” (người còn sống ghi bằng nét mực đỏ, người đã khuất ghi bằng nét mực đen) khi chép đoạn cuối về các thân nhân sống cùng thời với mình.
Nét bút chữ Nho rất đẹp trên bản gia phả bằng vải nói trên là của cụ Đinh Văn Thông – đời thứ 13 của tộc Đinh làng Hòa Thanh, tổng Phú Quý, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ.
Ông Thông sinh năm 1871, đỗ tú tài Nho học khoảng đầu thế kỷ 20 và là thầy đồ nổi tiếng ở vùng ven biển nam Tam Kỳ. Khi khoa cử Nho học bị bãi bỏ, chính quyền đương thời đã mời ông lên dạy môn chữ Nho ở trường tiểu học Pháp – Việt của phủ Tam Kỳ. Từ đó, ông được nhiều phụ huynh gọi thân mật là “thầy Tú Đinh”.
Qua bản gia phả chép trên vải đặc biệt này, biết được ông thủy tổ tộc Đinh làng Hòa Thanh, nay là xã Tam Thanh có quê gốc ở Ninh Bình, vào Nam định cư ở vùng ven biển huyện Điện Bàn. Về sau, con cháu dời đến vùng ven biển Thăng Bình trước khi hậu duệ đời thứ 12 vào định cư vùng xã Hòa Thanh, ven biển huyện Hà Đông- Tam Kỳ.
Bản phả hệ khắc trên đá
Nhà thờ tộc Trần, thôn Bích An xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành hiện bảo quản một tấm bia đá cao 1,2 mét, ngang 1 mét.
Mặt trước tấm bia này khắc 24 dòng đứng gồm khoảng 600 đơn vị chữ Nho nhiều kích cỡ khác nhau. Ở vị trí trán bia khắc một dòng ngang chữ lớn “Trần Đại lang tự sở xuất” (tạm dịch: từ ngài họ Trần sinh hạ trở xuống).
Cỡ chữ lớn nhất thể hiện trên dòng nói về thời điểm dựng bia “Hoàng triều Tự Đức thập nhất niên, thất nguyệt, thượng hoán, cát nhật” (Bia này lập vào ngày tốt, thời gian từ ngày mùng một đến ngày mười âm lịch, tháng bảy, năm 1858 niên hiệu Tự Đức thứ 11).
Cỡ chữ trung ghi 8 đời con cháu kể từ ông Trần Đại lang đến ông Trần Ngọc Súy (người đứng tên lập bia).
Cùng với các nội dung chính về tên tuổi, thế thứ là các dòng chữ nhỏ cước chú về nơi an táng, ngày kỵ giỗ và một số chi tiết khác về các thành viên quan trọng trong gia tộc. Trong số này, có ông Trần Hưng Nhượng (đời thứ sáu) từng là thầy dạy hoàng tử Hồng Nhậm (sau là vua Tự Đức).
Đặc biệt, bên cạnh các dòng trình bày về gia hệ, có một dòng gần cuối ghi “Hà Đông huyện Phó bảng thăng thụ Hải Dương tri phủ sung Nội các Trứ tác lang Nguyễn Dục phóng duyệt” (dịch: Nội dung văn bia này do Phó bảng Nguyễn Dục – đang giữ chức tri phủ ở tỉnh Hải Dương, có quan hàm Trứ tác ở Nội các triều đình – thảo ra và duyệt lại).
Được biết, theo thông lệ thời xưa, các văn bản quan trọng trong dân gian – đặc biệt là văn khắc, nếu được người có khoa bảng cùng thời “phóng duyệt”, đó là vinh dự của gia tộc.
Hai phả ký viết bằng nhiều thứ chữ
Mộ ông tiền hiền Lê Tây Trụ của tộc Lê – đồng tiền hiền làng Phú Hưng, tổng Phú Quý, huyện Hà Đông (nay ở thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) có bài minh kể về việc các vị thủy tổ tộc Lê từ phía bắc vào vùng đất phía nam ngã ba sông Tam Kỳ khai cơ dựng nghiệp.
Điểm đặc biệt là bài minh này được viết bằng ba thứ chữ Nho, Pháp và Quốc ngữ la tinh trên các mặt đứng nằm trong hình chạm một ngôi tháp ba tầng: chữ Nho trên cùng, dưới là chữ Pháp và cuối là chữ Quốc ngữ.
Qua bài minh, biết được các vị thủy tổ tộc Lê làng Phú Hưng có quê gốc ở miền ven cửa biển Thần Phù, Nghệ An. Cuộc thiên di ấy, bản chữ Nho ghi là “Hồng Đức niên gian, thừa dụ thực dân Chiêm Thành chi địa, Cố tổ dữ Nhất thế tổ nhân tùng chinh lưu trú, hiệp dữ Nguyễn, Trần, Đỗ chư tộc phái khai khẩn công tư điền thổ, toại thành cương vực, kiến lập xã hiệu Tân Khương. Chánh Hòa niên gian cải Phú Khương, hậu cải Phú Hưng”.
Đoạn phả ký ấy được bản Quốc ngữ dịch là: “Vào thời Hồng Đức, nghe theo lệnh triều đình vào tiếp quản đất Chiêm Thành, Cố tổ và Ông tổ đời thứ nhất của tộc ta đã theo chiến trận và ở lại, cùng với các tộc Nguyễn, Trần, Đỗ khai khẩn ruộng đất công và tư. Sau khi xác định ranh giới làng, đã xin lập xã hiệu”.
Trên bia mộ của ông tiền hiền tộc Nguyễn làng Bích Ngô, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ (nay ở nghĩa trang Gò Trầu xã Tam Xuân 1, Núi Thành) cũng có bản phả ký khắc bằng ba thứ chữ Nho, Nôm và Quốc ngữ la tinh.
Bản phả ký kể lại việc các vị thủy tổ của tộc vào phía nam sông Tam Kỳ lập nên hai thôn Cây Vông và Cây Bồng. Về sau, Cây Vông đổi sang tên chữ là Bích Ngô và thôn Cây Bồng tách ra thành địa hiệu riêng gọi là Bồng Miêu.
Cuối bản phả ký ba thứ chữ này khắc bài thơ tám câu bảy chữ có bốn câu đầu như sau: “Kể từ lưu đáo Quảng Nam dinh/ Sinh hạ ngày nay đến ở mình/ Mưu để cháu con nên khẩn ruộng/ Kính thờ thần thánh mới lập đình…”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nhung-ban-pha-ky-dac-biet-o-tam-ky-xua-3146921.html