Tân sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng từng ngồi ôm mẹ khóc ở hành lang bệnh viện: ‘Con phải nghỉ học thôi mẹ, kiếm việc gì đó làm rồi sau này nếu có tiền thì sẽ thi lại’.
Người mẹ gần như mù hẳn cũng nước mắt giàn giụa thương con.
Những ngày này Phan Thị Huệ An – cô gái mồ côi cha, mẹ ung thư giai đoạn nặng ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhân vật của học bổng Tiếp sức đến trường – đã vững vàng, tự tin ngồi trên ghế giảng đường ngôi trường mơ ước.
Hành trang An vào đại học có những niềm hy vọng mãnh liệt, có những đớn đau, thất vọng khi không thể có tiền đóng học phí. Nhưng hành trang ấy cũng lóe lên ấm áp khi An được giới thiệu đến học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
Không chỉ một lần, cô gái nghèo được nhận tới hai lần tiếp sức như một phép màu.
Phan Thị Huệ An có mẹ là bà Phan Thị Lẹ, 53 tuổi (quê Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 18 tuổi, bà Lẹ rời quê nghèo để vào TP.HCM giúp việc. Bà ở trong một ngôi nhà của gia chủ và được gán ghép rồi có con với người con trai chủ nhà.
Khi An còn đỏ hỏn, người cha lâm bạo bệnh rồi qua đời. Để nuôi con, bà Lẹ phải làm đủ việc kiếm sống. Nhưng quá đau đớn khi cô con gái lên 5 tuổi, bà phát hiện ung thư. Khoản tiền đi nhặt đồng nát, rửa bát thuê mua đồ ăn cho con còn dư ra bao nhiêu đều dồn vào tiền thuốc để chữa trị bệnh.
Năm An lên 6 tuổi, không thể cầm cự nổi, bà Lẹ đưa con về thị xã Điện Bàn tiếp tục lang bạt. An suy dinh dưỡng nặng vì sống trong điều kiện khắc nghiệt và thiếu thốn.
Từ ngày An đi học ở quê, không ít lần hai mẹ con lại dắt díu nhau ngược vào Nam để bà Lẹ chữa ung thư. Mỗi lúc đỡ hơn chút, An lại cùng mẹ về quê cũ, tiếp tục hành trình nghèo khổ.
Trong hoàn cảnh nghiệt ngã, An vẫn học tốt. Khi đăng ký đại học, An chọn ngành thiết kế đồ họa Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng và đủ điểm đậu. Nhưng cũng từ đây, tảng đá thực sự lớn đã xuất hiện như khối núi trước mặt cô và người mẹ nghèo. Nhưng cuộc sống có phép màu khiến Huệ An vỡ òa, bật khóc vì không nghĩ mình may mắn đến vậy.
Từ thầy cô và bạn đọc giới thiệu, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã tìm tới mẹ con An. Tại căn phòng ở tầng 4 Bệnh viện Đa khoa khu vực Điện Bàn, An từng ngồi buồn bã cạnh người mẹ mắt gần như mù lòa hẳn.
Huệ An lúc đó nói rằng khi nhận giấy báo nhập học, thấy số tiền học phí mỗi kỳ tới 20 triệu đồng nên mẹ An gần như buông tay. Bà cũng đã cố tìm tia hy vọng bằng cách tìm người quen mượn chút tiền, dù là chỉ vài trăm ngàn để góp cho con đi học. Nhưng gọi sạch tiền trong sim điện thoại mà chẳng ai cho mượn. Ai cũng ngại một người ung thư giai đoạn nặng, không nhà cửa, không việc làm, sống chết cũng không chắc chắn sẽ trả được khoản tiền vay.
Các thầy cô trên trường THPT nơi An từng học cũng tìm cách liên hệ các học bổng. Nhưng kết quả của các học bổng không thể có ngay trong khi thời gian nhập học đã cận kề.
Sáng ấy, sau nhiều ngày tìm đủ cách, Huệ An dìu mẹ ra hành lang ngồi. Cô gái nghèo gục vào vai mẹ, bật khóc: “Thôi mẹ ơi, con không học đại học nữa”. Một đời cơ cực, nhưng người mẹ già nua ốm bệnh của An cũng chưa bao giờ thấy nỗi bất lực lớn tới vậy. Rồi bà cũng bật khóc như con gái.
Khi biết câu chuyện của mẹ con An, Tuổi Trẻ Online đã hướng dẫn An làm hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường. Trong khi chờ hồ sơ xét duyệt, chúng tôi đã giới thiệu hoàn cảnh của nữ tân sinh viên đến doanh nhân Dương Thái Sơn – giám đốc Công ty bao bì Nam Long, nhà hảo tâm lớn nhiều năm đồng hành cùng học bổng Tiếp sức đến trường.
Tối ấy, ông Sơn liên lạc với Huệ An. Qua điện thoại, ông Sơn vẫn thấu cảm nỗi bất lực của An. Ông đưa ra quyết định ngay lập tức: “Chú sẽ hỗ trợ cho con mỗi năm 20 triệu đồng để đi học, thay vì chỉ 12 triệu đồng như các tân sinh viên mà chú đang giúp“!
Câu nói của ông Sơn khiến Huệ An như ngọn cây khô khát, héo rũ giữa sa mạc được giội dòng nước mát lạnh. An “dạ” rất to, rồi chạy từ bệnh viện về sửa soạn quần áo, giấy tờ cho kịp sáng mai ra Đà Nẵng làm thủ tục nhập học.
Sáng hôm sau, An chạy xe tới Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng dù “tiền từ bác Sơn chưa vào tài khoản”.
Trước cổng trường rộng lớn, An vẫn còn lo vì không biết “bác Sơn” có giúp thật không. Rồi bất ngờ nhận tin nhắn “bác Sơn” báo đã chuyển tiền khiến An suýt reo lên giữa đám đông vì quá hạnh phúc.
Cô vào trường làm thủ tục đăng ký học. Tài khoản trong chốc lát chỉ còn mấy trăm ngàn đồng, vì hơn 19 triệu đồng đã đóng học phí cho trường. Nhưng không còn quan trọng nữa, với An vậy là quá đủ.
Buổi đi nhập học hôm đó có ông Nguyễn Văn Đẩu (thị xã Điện Bàn), bạn đọc báo Tuổi Trẻ, người đã phát hiện hoàn cảnh của An từ thầy cô giáo rồi xác minh, giới thiệu tới học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Gần trưa, An chạy ra nơi ông Đẩu đang đứng, trên tay cầm một tấm thẻ nhựa có mã QR code, thông tin sinh viên và tấm ảnh chân dung mình. Cô tân sinh viên kiến trúc khoe với ông Đẩu mà như muốn bật khóc: “Con thành sinh viên thật rồi bác ơi. Con không biết phải đền ơn bác thế nào”!
Nghị lực và khát khao học tập của Phan Thị Huệ An – Thực hiện: THÁI BÁ DŨNG – NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN – TÔN VŨ
Sau khi được ông Dương Thái Sơn giúp đỡ, sáng 27-9, An tiếp tục được mời tới lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho tân sinh viên Quảng Nam, Đà Nẵng ở resort Palm Garden Hội An. Lúc ngồi dưới hội trường, Huệ An không hề biết rằng mình là một trong hai tân sinh viên may mắn nhận suất học bổng vô cùng đặc biệt, do một mạnh thường quân quyết định trao tặng cho cô chỉ trước vài giờ diễn ra lễ trao, trị giá 150 triệu đồng cho 5 năm học (toàn khóa).
Bà Lê Thị Quỳnh Nga (Thừa Thiên Huế), thành viên CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, cảm phục trước những câu chuyện nghịch cảnh của các tân sinh viên và quyết định sẽ sẽ trao học bổng suốt hành trình đại học cho hai gương mặt do học bổng giới thiệu.
Được mời lên sân khấu và nhận món quà lớn này, An giụi mắt, bật khóc. Nước mắt không ngừng chảy cho tới khi An bước xuống từng hàng ghế, cúi đầu bắt tay tạ ơn từng mạnh thường quân.
“Con không biết nói gì hơn. Con thấy tất cả như phép màu. Con cảm ơn các cô, các bác, các chú đã thương con” – An sụt sùi. Những người lớn tiến tới nơi An đứng và trao những cái ôm ân tình, vỗ về như muốn tiếp thêm sức mạnh cho cô gái nghèo.