Sau năm 1975, Điện Bàn như một bãi mìn khổng lồ và lau lách ngập cả làng quê. Người dân tản cư gồng gánh nhau về nơi chôn nhau cắt rốn, làng quê hoang vu, trống trơn.
Cuộc sống mới bắt đầu từ việc dựng mái nhà tranh, trồng bụi tre, san lấp hố bom, gỡ mìn cải tạo đồng ruộng… Lứa chúng tôi, tứ xứ theo cha mẹ tụ về, chân trần len lỏi đường quê đến trường. Trường là một ngôi nhà ba gian được dựng ngay chỗ đất trống.
Cuộc sống bộn bề cơ cực nhưng Quảng Nam – Đà Nẵng bấy giờ nói chung, Điện Bàn nói riêng bắt đầu công cuộc tìm kiếm, nuôi dưỡng, ươm mầm học sinh giỏi.
Riêng đội tuyển học sinh giỏi chúng tôi thập niên 80 về trước, đều tập trung về học tại các điểm phòng giáo dục, trường ở Điện Phương và chùa Từ Quang…
Học trò về được thầy cô vận động chia nhau ở nhà dân gần nơi học. Thời gian học gần cả học kỳ trước khi bước vào kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc.
Chùa Từ Quang (Điện Thắng Bắc) nằm sát quốc lộ 1 là nơi được chọn rèn luyện nhiều khóa học sinh giỏi của Điện Bàn.
Một buổi, chúng tôi học phổ thông bình thường tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Một buổi, chúng tôi “tu luyện” nơi cửa Phật. Cô Năm và cô Lũ là hai mẹ nuôi, lo từng bữa cơm.
Đến bây giờ, nhiều người, dù đã lên vai ông bà, đi đây đi đó, không thiếu thứ gì, nhưng vẫn không bao giờ quên bữa ăn ngày ấy. Bất cứ lúc nào có dịp gặp nhau, chúng tôi lại nhắc “cơm mẹ Năm, mẹ Lũ dẻo nhất, no cành hông”. Ngày mẹ Năm theo ông bà, chúng tôi tìm về tiễn đưa, cả gia đình mẹ cứ ôm lấy xem như người thân trong gia đình.
Các gia đình cho ở trọ đã dành nơi tươm tất nhất trong nhà cho chúng tôi ở và học hành. Gần như đêm nào chủ nhà cũng sai con bưng lên “tiếp sức”, nào đậu phụng luộc, khoai sắn, mận, ổi… tự kiếm quanh vườn.
Trước khi khăn gói về quê để bước vào cuộc thi lớn, mẹ em Hải (nhà đối diện chùa Từ Quang) nói trong nước mắt: “Thi tốt nghe con. Sau này, có làm ông này bà kia hay chi đi nữa, cũng nhớ về thăm hỉ!”.
Các khóa học sinh giỏi chúng tôi được nuôi dưỡng, ươm mầm bằng kiến thức và tâm huyết của thầy cô; bằng tình yêu thương, đùm bọc và cả mong mỏi của người dân quê vùng đất hiếu học.
Cho đến bây giờ, trong chúng tôi vẫn có nhiều thắc mắc vì sao chùa Từ Quang – nơi cửa Phật lại được chọn để tập trung rèn luyện thi học sinh giỏi?
Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng gắn bó với nhiều lứa học sinh giỏi Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chia sẻ đầy ẩn ý, rằng học nơi nào mà các em cảm thấy yên tĩnh nhất và được bồi đắp bởi niềm tin mạnh mẽ nhất, các em sẽ thành công.
Và, kỳ vọng đó thành hiện thực. Kết quả thi học sinh giỏi khóa 1982 – 1983, Điện Bàn dẫn đầu cả tỉnh về số lượng; các môn Toán, Văn cả lớp 5 và lớp 9 đều đoạt giải cao. Có thể nói, Điện Bàn đạt thành tích cá nhân và đồng đội xuất sắc nhất tỉnh giai đoạn 1981 – 1990. Sau đó, nhiều bạn tiếp tục đoạt giải quốc gia.
Tiếp nối truyền thống “Ngũ phụng tề phi”, nhiều học sinh giỏi Điện Bàn như những chim phụng tung cánh khắp nơi, trên nhiều lĩnh vực. Nhiều người sau này thành nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, bác sĩ, nhà báo, doanh nhân…
Dù là ai, dù tung cánh bốn phương trời, định cư nước ngoài hay sinh sống tại quê nhà, nhưng luôn luôn trong tim họ là hình ảnh sinh động về giá trị truyền thống học giỏi của Điện Bàn.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nho-thuong-mien-dat-hoc-3137873.html