Nếu có ai hỏi, thứ trái cây nào là loại “lành” nhất thời này, thì trái cóc (người Quảng gọi là cốc), nhất là cóc cầy (loại cóc xưa, trái lớn, da sần lốm đốm không đều màu) là lựa chọn hàng đầu.
Trái cóc “lành” không chỉ bởi những thứ dinh dưỡng và lợi ích của nó mang lại cho sức khỏe con người, mà còn ở việc thứ trái này ít sử dụng phân thuốc kích thích nhất, hầu như là không có. Những chùm trái lúc lỉu nhìn xa như những chùm bong bóng thả ngược, rất vui mắt.
Hồi còn ở nhà cũ sát mé sông, ba tôi trồng một cây cóc cầy trong vườn nhà. Cây cóc lớn nhanh, lá xanh mướt. Mỗi mùa nước phù sa, ba chỉ cần mấy cuốc đất từ triền sông, bồi cho đầy ứ dưới gốc cây. Hai năm thôi là cây cóc đã phủ bóng la đà, mát rượi. Tuổi thơ của mấy chị em tôi trôi qua với những khoảnh khắc chờ cây cóc ra bông.
Bông của nó trắng xóa, li ti, y như bông của những cây táo gai. Mùa cóc ra bông mà gặp một hai trận mưa dông là coi như năm đó thất thu. Sau này, trước mỗi cơn mưa gió, ba chịu khó bắc thang, lấy vải mùng hoặc tấm bạt trùm kín hết tàn cây cóc, gió không giật được bông nữa.
Nhờ cây cóc đó mà chị em tôi có tiền mua sách vở, bút thước… để tựu trường. Má khéo tay, gọt vỏ những trái cóc già, chẻ thành bông, cắm vô mấy thanh tre chẻ nhỏ, ướp đá, xào thêm hũ mắm ruốc ớt cay xè, ra chợ ngồi một buổi là bán sạch một thùng đầy.
Cóc cầy chính hiệu nó chua dữ dằn lắm! Nhưng có mắm ruốc “khắc” cái vị chua đó lại, thành ra hai món ăn cùng nhau hạp vô cùng! Cóc non hơn xíu có thể ngâm chua ngọt, chấm muối ớt ngon tê lưỡi. Hoặc nhà có đám tiệc thì cứ níu chùm cóc “bánh tẻ” (không non không già, vừa nổi gân trên vỏ là được), bào mỏng ra, trộn gỏi tai heo, đãi đằng là bà con xóm giềng khen nức nở.
Mùa cóc cầy bắt đầu từ tháng 5, chín rộ vào tháng 9, 10. Mùa này, mỗi bận đi về giữa phố xá phương Nam, sẽ gặp những xe đẩy hàng rong chất đầy cóc chín. Quầy trái cây trong chợ cũng vàng rực lên bởi thứ trái xấu xí này.
Những khay cóc đã gọt vỏ, mở ra là mùi thơm the dìu dịu len lỏi đến tận cuống phổi. Cái mùi dịu dàng mà lại khiến những người có tuổi đi ngang phải xao xuyến, cầm lòng không đặng. Nếu là người miền Nam rặt, bạn sẽ không quên món canh chua dầm từ những trái cóc chín rục.
Tôi xẻ miếng cóc chín, quệt xíu muối ớt cay xè, nghe tuổi thơ ùa về, thương quá đỗi! Có những khoảnh khắc, chỉ vịn vào một mùi hương thương nhớ, mà lòng người bỗng tha thiết cuộc đời này.
Như tôi, nương vào mùi thơm của trái cóc chín mà thương cả mùa thu đang lặng thầm trôi qua giữa phố xá thênh thang.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nho-mui-coc-chin-3141152.html