Thức quà tuổi thơ
Hồng bì là loại cây thân gỗ nhỏ. Thông thường, mỗi cây chỉ cao từ 3-5 mét, cây lớn nhất cũng chỉ từ 8-10 mét. Với sức sinh trưởng khỏe mạnh, hồng bì không chỉ có khả năng chịu hạn, chịu được úng nước mà còn có khả năng chống chọi sâu bệnh rất tốt.
Cây hồng bì cho tán rộng, góp phần tạo không gian xanh mát. Hẳn vì lẽ đó nên người dân quê tôi thường chọn cây hồng bì để trồng trong vườn nhà.
Điều thú vị là từ mục đích lấy bóng mát ban đầu, sau này thành cây ăn quả, hồng bì dần trở thành nguồn thu nhập cải thiện kinh tế gia đình.
Với bọn trẻ nhỏ nhà quê, hồng bì là thức quà dành riêng cho tuổi thơ. Mỗi khi hè đến, chúng tôi tạm gác việc học hành, thong dong đi dạo quanh các ngõ nhỏ khắp làng, ngó nghiêng, chờ đợi từng cây quất hồng bì ra quả.
Chúng tôi ngẩn ngơ nhìn những vòm lá trái xoan xanh mướt, thấp thoáng mấy bông hoa màu trắng mọc thành chùm thưa ở ngọn, rủ muôn loài bướm chấp chới tìm về.
Nỗi háo hức của lũ trẻ kéo dài từ khi chùm quả còn non như hạt đậu xanh, cho đến lúc chúng vàng như giọt mật. Khi lớp vỏ ngoài của quả chuyển sang màu nâu thẫm, cũng là thời điểm nó chín rộ nhất.
Trẻ con sẽ được theo ba mẹ ra vườn hái quất hồng bì. Bố tôi nhanh nhẹn trèo lên cây, khéo léo dùng cây khều có sử dụng cái móc sắt kéo từng chùm quả hồng bì ở tận tít ngọn cây cao. Sau khi hái xong, bố tôi sẽ từ từ thả xuống dưới gốc, nơi mẹ và tôi đã đứng chờ sẵn.
Khi đã thu hoạch đủ số lượng cần thiết, cả nhà sẽ ngồi buộc thành chùm, chèn thêm ít lá xanh tươi, để sáng hôm sau mẹ đem ra chợ bán. Đó cũng là cách để mẹ tôi có thêm ít đồng ra đồng vào cải thiện bữa cơm cho gia đình.
Vị thuốc
Không chỉ là loại quả sạch và lành, quất hồng bì còn là một vị thuốc dân gian tốt cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Thi thoảng, bọn trẻ đi nắng về, chỉ cần hái chùm quả ăn, vừa khỏe người vừa giải nhiệt, không gì cho bằng.
Điều thú vị nhất là các bộ phận cây quất hồng bì (lá, quả, hạt) đều có thể được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh cảm cúm, hạ sốt, long đờm, kích thích tiêu hóa… rất tốt.
Nhớ những lần chúng tôi bị cảm ho, mẹ xót các con nên ra vườn hái chùm quả hồng bì vào cho chúng tôi ăn, thế là dứt ngay cơn ho dai dẳng.
Hoặc thi thoảng, chúng tôi bị nấc cụt, mẹ cũng lấy mấy quả chín dầm với chút mật ong, sau đó tỉ mỉ mang đến hấp cách thủy, đem pha với nước uống thế mà chứng nấc cụt mất hẳn.
Mùa hồng bì nào, mẹ cũng đều đặn lấy hạt, mang vỏ đem phơi để dành sắc nước uống tẩy giun cho anh em tôi. Các mẹ, các chị trong làng tôi thi thoảng vẫn lấy lá hồng bì nấu nước gội đầu vừa sạch da đầu, trị gàu lại rất trơn tóc. Thảo nào lúc mẹ hay chị gội đầu xong, mùi thơm nức cả trưa hè.
Tỉ mỉ hơn, mẹ còn tranh thủ ngâm cho ông bà nội ngoại hai bên vài bình rượu hồng bì để dành uống mỗi khi mỏi mệt hay trái gió trở trời. Mẹ thường bảo quất hồng bì còn được nhiều thầy thuốc Đông y dùng để chữa bệnh chóng mặt, thiếu năng lượng, ù tai… rất hiệu quả.
Như một cái chớp mắt, chúng tôi xa rời tuổi thơ, lưu lạc nơi xứ người. Nhưng hình ảnh những cây hồng bì quê nhà vẫn là một hoài niệm khó quên. Thi thoảng, có dịp về quê đúng vào thời điểm mùa quất hồng bì chín rộ, tản bộ chầm chậm quanh những gốc cây, nghe mùi hương trái chín thoang thoảng trong gió, lòng tôi lại chộn rộn cảm giác nhớ mong đến nao lòng.