Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 441/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,07% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, gồm 7 chương 103 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Theo luật, ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công bao gồm: Quốc phòng; an ninh và trật tự, an toàn xã hội; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; khoa học, công nghệ; y tế, dân số và gia đình; văn hóa, thông tin; phát thanh, truyền hình, thông tấn; thể dục, thể thao; bảo vệ môi trường; các hoạt động kinh tế; hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị – xã hội; bảo đảm xã hội; ngành, lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Luật Đầu tư công đã có các quy định nhằm phân loại dự án đầu tư công. Trong đó, cấp có thẩm quyền khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có quyền quyết định việc tách hoặc không tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.
Luật cũng quy định các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C. Trong đó, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí như: Sử dụng vốn đầu tư công từ 30 nghìn tỷ đồng trở lên; ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên; di dân tái định cư từ 20 nghìn người trở lên ở miền núi, từ 50 nghìn người trở lên ở các vùng khác; dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C.
Liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án luật, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND sang UBND là thay đổi lớn, cần nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng; một số ý kiến nhất trí với đề xuất phân cấp cho HĐND các cấp nhằm giảm thủ tục hành chính.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đúng như ý kiến đại biểu đã nêu, việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, việc thay đổi về thẩm quyền đã được cân nhắc kỹ từ thực tế, việc giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần thiết đã được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021 – 2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C cho UBND cùng cấp. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính chặt chẽ, dự thảo luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.
Với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, xin báo cáo Quốc hội cho phép quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Về quy định hạn mức 20% đối với các dự án qua hai kỳ trung hạn tại Điều 93, Luật Đầu tư công sửa đổi theo hướng: Quy định tiếp tục giữ quy định về hạn mức 20%; bổ sung quy định đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội; bổ sung quy định đối với dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; bổ sung quy định cho phép vượt mức 20%: “Cấp có thẩm quyền báo cáo để được phép quyết định vượt mức, nhưng không được vượt quá 50% số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước”.
Về các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cũng được quy định trong luật như: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nhieu-diem-moi-dang-chu-y-trong-luat-dau-tu-cong-sua-doi-3145059.html