Nỗ lực của địa phương
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Thông báo kết luận số 135, ngày 6/5/2022) nếu hiện thực hóa sẽ thúc đẩy sự phát triển không chỉ Quảng Nam mà cả miền Trung.
Đứng trước “cơ hội vàng” có một không hai, hy vọng định vị địa phương thành một cực tăng trưởng trong tương lai, chính quyền Quảng Nam đã huy động toàn lực các sở, ngành, địa phương theo chức trách thực thi.
Chính quyền TP.Hội An đã hoàn tất đề án bảo tồn, phát triển bền vững đô thị cổ Hội An, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch.
UBND huyện Duy Xuyên đã làm việc với tư vấn xây dựng đề án xã hội hóa Khu đền tháp Mỹ Sơn. Quảng Nam đã hoàn chỉnh báo cáo đề án (kể cả đề xuất thêm một số nội dung) liên quan đến việc xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang.
Việc đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 DWT và quy hoạch trung tâm logistic container tại Chu Lai được cho là một trong những đề án quan trọng để có thể mở rộng cơ hội giao thương của Quảng Nam, kết nối liên vùng.
Sau khi Bộ GT-VT có văn bản thống nhất chủ trương (tháng 10/2022) tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 và đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu theo quy hoạch.
Tuy nhiên, đến nay điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên chưa thể phê duyệt các quy hoạch cấp dưới, làm căn cứ để trình Đề án đầu tư luồng Cửa Lở và Trung tâm logistic container Chu Lai.
Địa phương cũng đã lên kế hoạch đề nghị đầu tư nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14D và tuyến đường đến cảng Chu Lai theo hình thức BOT và nâng cấp quốc lộ 14E. Các nghiên cứu hay phương án đầu tư theo hình thức này không thể thực hiện được. Chính quyền địa phương phải báo cáo xin tiền đầu tư từ ngân sách.
Sở Công Thương đã hoàn chỉnh cả 2 đề cương của đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai và hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica.
Trung tâm công nghiệp dược liệu thiên nhiên tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh đã hoàn thành dự thảo để án, đang được lấy ý kiến, hoàn chỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Sở NN&PTNN đã chủ trì, phối hợp các địa phương và đơn vị rà soát, đánh giá hiện trạng, điều chỉnh quy hoạch và sắp xếp rừng phòng hộ ven biển, xã hội hóa công tác trồng rừng. Sở này đang triển khai lập đề án trồng thí điểm một số loài cây ở khu vực đất cát vùng Đông.
Thiếu hụt đất để có thể mở rộng các khu công nghiệp cũng đã đặt lên bàn nghị sự. Quảng Nam đã xác định đến năm 2030, diện tích đất khu công nghiệp cần đến gần 12.000ha.
Các vướng mắc tại làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng đã được thị xã Điện Bàn lấy ý kiến dân cư về đề cương lập quy hoạch chi tiết 1/500.
Theo tính toán, kinh phí xây dựng khu tái định cư theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng cần hơn 1.176 tỷ đồng và hơn 2.776 tỷ đồng bồi thường. Điều này rất khó để địa phương thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch 1/2000 giảm diện tích Làng Đại học Đà Nẵng tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn còn khoảng 50ha (phần thuận lợi cho giải phóng mặt bằng), đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030…
Nhiều vướng mắc
Quảng Nam triển khai quyết liệt các nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều việc chưa suôn sẻ. Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hội An vẫn trong quá trình xem xét, chưa trình Thủ tướng, nên địa phương chưa nhận được sự thống nhất việc bố trí nguồn ngân sách trung ương cùng vốn đối ứng để thực hiện đề án từ năm 2025 – 2030.
Xã hội hóa Mỹ Sơn không đủ cơ sở triển khai xây dựng đề án vì chưa thể xác định được vùng đệm, vùng lõi, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng khai thác phát huy, các di tích ưu tiên trùng tu… khi Quy hoạch tổng thể khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045 do Viện Bảo tồn, tu bổ di tích (thuộc Cục Di sản, Bộ VH-TT&DL) lập vẫn chưa hoàn tất.
Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam vẫn chưa thực hiện được vì cơ chế thí điểm của Quỹ bảo tồn di sản Huế (hình mẫu) cần thời gian đánh giá.
Ông Phan Xuân Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói, có quy hoạch sớm thì mới có thể thu hút nhà đầu tư. Nếu không gỡ được khó khăn của các quy định cũ thì dù có xây dựng đề án cũng không thể làm được gì.
Các dự án đầu tư quan trọng, hy vọng sẽ tạo luồng sinh khí mới cho Quảng Nam phát triển cũng không tiến triển được bao nhiêu. Chỉ duy nhất dự án đầu tư, nâng cấp quốc lộ 14E được đầu tư. Còn các dự án khác đều trong dạng “thai nghén”.
Ông Văn Anh Tuấn – Giám đốc Sở GT-VT nói quốc lộ 14E đang được Ban Quản lý dự án 4 (Cục đường bộ Việt Nam) triển khai thi công xây dựng. Khối lượng ước khoảng 20%. Còn quốc lộ 14D đang được Ban Quản lý dự án Thăng Long rà soát, cập nhật hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư mở rộng, nâng cấp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo ông Đặng Bá Dự – Giám đốc Sở Công Thương, đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai chưa có tiền lệ, cần làm rõ thêm nội dung, liên quan nhiều bộ, ngành để làm thí điểm, chưa được đưa vào chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024.
Còn trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica dự kiến tháng 10/2024 sẽ hoàn thành sơ bộ để lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trước khi phê duyệt thực hiện.
Sau gần 2 năm, trong số 9 kiến nghị/nhóm kiến nghị đã được Thủ tướng Chính phủ định hướng chủ trương giải quyết (theo Thông báo kết luận số 135), chỉ có 1 kiến nghị được phê duyệt đang triển khai trên thực tế.
Các phần việc khác đều dang dở. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, các đề xuất đều có tầm nhìn chiến lược dài hạn, đã được tích hợp vào quy hoạch. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các kết luận này không chỉ gói trong một nhiệm kỳ mà còn tiếp diễn rất nhiều năm sau nữa.