Gỡ vướng ở vị trí cầu vượt đường sắt
Trong triển khai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 14E, khó khăn lâu nay nằm ở vị trí cầu vượt đường sắt (xã Bình Quý). Trên cơ sở thiết kế được duyệt, UBND huyện Thăng Bình đã chỉ đạo đơn vị bồi thường và UBND xã Bình Quý tổng hợp số hộ dân bị ảnh hưởng cầu vượt đường sắt là 63 thửa (63 hộ).
Đến nay, đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã công khai phương án bồi thường cho 48 thửa đất. Phòng TN-MT huyện đang kiểm tra, thẩm định 4 thửa, 5 thửa vướng tranh chấp và 6 thửa UBND xã Bình Quý đang hoàn thiện hồ sơ để có điều kiện bồi thường.
Theo ông Võ Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, do một số hộ dân có ý kiến muốn di dời tái định cư (TĐC) đi nơi khác bởi ảnh hưởng của cầu vượt đường sắt nên UBND huyện đã có tờ trình ngày 27/3/2024 gửi UBND tỉnh xin chủ trương cho phép di dời, bố trí TĐC cho các hộ dân; đồng thời đề nghị chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 4 bố trí kinh phí để bồi thường, hỗ trợ và TĐC.
Ngày 8/4/2024, Sở TN-MT có công văn phúc đáp yêu cầu UBND huyện tiếp tục làm việc với các hộ dân để có sự đồng thuận về TĐC. Qua làm việc, có 38/63 hộ có ý kiến muốn di dời tái định cư, 6/63 hộ muốn ở lại, 19/63 hộ đang lưỡng lự chưa biết đi hay ở.
Trường hợp cả 63 hộ dân đều di dời, TĐC, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 99,25 tỷ đồng, tổng số lô TĐC là 126 lô. Trường hợp 38 hộ TĐC, kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 54,15 tỷ đồng, bố trí 76 lô TĐC. Nếu 19 hộ đang lưỡng lự quyết định di dời, TĐC thì tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho số hộ này là 36,1 tỷ đồng, 38 lô TĐC.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đề nghị huyện Thăng Bình nên vận động để bồi thường, hỗ trợ và bố trí TĐC cho 63 hộ dân bị ảnh hưởng ở vị trí cầu vượt đường sắt. Vì rằng, nhà ở vị trí cầu vượt đường sắt sẽ rất thấp, khó an cư.
Đồng chí Lê Văn Dũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 4 làm việc với Cục đường bộ Việt Nam, Bộ GT-VT để thống nhất 99,25 tỷ đồng bồi thường, hồ trợ và TĐC cho 63 hộ dân.
Về điều này, ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 cho biết, sẽ làm việc với Cục đường bộ Việt Nam và Bộ GT-VT để có phương án cụ thể về bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho 63 hộ dân.
Đẩy nhanh tiến độ GPMB
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp QL14E, đến ngày 6/5/2024, huyện Thăng Bình đã GPMB, bàn giao 11,8km/17,4km thi công dự án. Ông Võ Văn Hùng cho rằng, hiện nay, các xã trình hồ sơ đến Phòng TN-MT để kiểm tra xem xét điều kiện bồi thường về đất còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch đã đề ra (trước ngày 31/3).
Nguyên nhân chính là do nguồn gốc sử dụng đất phức tạp; nhiều trường hợp phải làm thủ tục thừa kế nhưng vì diện tích nhỏ nên hộ dân thiếu hợp tác để lập hồ sơ. Hồ sơ giao đất theo Nghị định số 64 của Chính phủ có nhiều sai sót…
Các ngành chuyên môn của huyện mặc dù đã phối hợp với từng địa phương liên quan đi thực tế đối với từng trường hợp cụ thể để hỗ trợ hoàn thành hồ sơ trình điều kiện bồi thường về đất tuy nhiên đến nay vẫn còn 180 thửa đất chưa thực hiện xong.
Đối với dự án thành phần 2 đường nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp (KCN) Đông Quế Sơn nối với QL14H và QL1 đoạn qua huyện Thăng Bình, tổng chiều dài 22,144km.
Trong đó đoạn từ đường Võ Chí Công đi QL 1 dài 3,744km; đoạn từ đường Võ Chí Công đi KCN Đông Quế Sơn dài 18,4km. Đến ngày 6/5/2024, huyện Thăng Bình đã giải ngân hơn 30,4 tỷ đồng và đã bàn giao mặt bằng 10,822km.
Cái khó trong GPMB để thi công đoạn đường từ đường Võ Chí Công đi KCN Đông Quế Sơn nối với QL14H là bố trí TĐC cho các hộ dân bị thu hồi đất. UBND huyện Thăng Bình đã đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh vị trí lô F/F1 ra khỏi ranh giới Cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Được và điều chỉnh thành quy hoạch đất ở để bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng đến nay UBND tỉnh chưa có ý kiến.
Đồng chí Lê Văn Dũng yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Thăng Bình thường xuyên làm việc, đôn đốc ngành liên quan, các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, GPMB, hỗ trợ và TĐC để bàn giao mặt bằng cho đơn vị chủ đầu tư triển khai thi công 2 dự án trọng điểm.
Tỉnh ủy thống nhất chủ trương điều chỉnh vị trí lô F/F1 ra khỏi ranh giới Cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Được và điều chỉnh thành quy hoạch đất ở để bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng. UBND huyện Thăng Bình tiếp tục làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành để thực hiện đúng các trình tự, quy định về điều chính vị trí lô F/F1.
Hiện nay, có 201 hộ dân ở các xã trên địa bàn huyện Thăng Bình bị ảnh hưởng đất nông nghiệp trong phạm vi GPMB mặt cắt 12m có đơn đề nghị thu hồi, bồi thường phần diện tích ngoài vạch GPMB với lý do khó sản xuất, thửa đất chia đôi, phần diện tích còn lại nhỏ… Theo tạm tính của đơn vị bồi thường thì tổng số tiền cần để bồi thường cho phần diện tích đất này hơn 5,2 tỷ đồng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng thống nhất với đề xuất của huyện Thăng Bình và giao cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy các hồ sơ, thủ tục để giải quyết đúng quy định.