Tiến sĩ ngôn ngữ… làm nông nghiệp
Là một tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học và đang công tác tại Trường Đại học Quảng Nam, nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Sanh lại đam mê khởi nghiệp. Năm 2019, với dự án “Ngôi nhà nhỏ” – Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em chất lượng cao, chị Sanh được công nhận dự án khởi nghiệp cấp tỉnh.
Từ đó, chị bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để góp phần làm cho bữa ăn của các bé giàu chất dinh dưỡng và an toàn hơn. Trong quá trình tìm hiểu, chị Sanh tiếp cận được nhóm nghiên cứu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, gồm các nhà nghiên cứu sinh học, bác sĩ Đông y… trên cả nước. Họ đang nghiên cứu thử nghiệm đưa dược chất saponin vào cây khoai lang. Chị Sanh tham gia vào nhóm này, cùng nghiên cứu, triển khai trồng thực tế và nhân rộng mô hình cho người dân.
Từ tháng 9/2023, chị Sanh bắt đầu trồng giống khoai lang được nhóm nghiên cứu cung cấp ở khu vực huyện Tiên Phước. Sau đó 2 tháng, chị trồng ở phường Tân Thạnh và xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Cuối năm 2023, chị tiếp tục triển khai trồng giống khoai này ở huyện Nam Trà My. Nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều giống khoai, có khoai tím, khoai vàng và khoai trắng.
“Từ những dây lang đầu tiên, 3 tháng sau, có thể thu hoạch củ. Vừa qua, ngày 26/3, tôi đã gửi mẫu khoai lang củ trồng ở Tiên Phước đi kiểm nghiệm ở Viện Dinh dưỡng quốc gia – Bộ Y tế. Bằng phương pháp kiểm nghiệm Test method, cho thấy mẫu khoai lang có chứa 0,67% hàm lượng saponin tổng”
Chị Nguyễn Thị Hồng Sanh
[VIDEO] – Chị Sanh nói về hành trình đến với mô hình khởi nghiệp khoai lang saponin:
Theo chị Sanh, tùy vào phương pháp chăm sóc và thổ nhưỡng ở từng khu vực sẽ cho sản phẩm có hàm lượng saponin khác nhau. Ví dụ, nhóm nghiên cứu trồng thử nghiệm ở Hội An thì khi kiểm nghiệm cho thấy củ khoai vàng có chứa 1.34% saponin tổng, dây khoai lang chứa đến 1.79% saponin tổng. Một trường hợp khác ở huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) kiểm nghiệm củ khoai trắng được 1.34% saponin.
Chuyển giao cho nông dân
Theo chị Sanh, ngoài lựa chọn thổ nhưỡng có đầy đủ điều kiện thì phương pháp trồng đúng cách đối với giống khoai có chứa saponin này cũng rất quan trọng. Người trồng khoai phải tuân thủ tuyệt đối phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân hoá học, bởi dược chất saponin sẽ không hình thành nếu tiếp xúc với thành phần hoá học.
“Ngoài những nguồn năng lượng hữu hình như đất, nước, phân hữu cơ thì nhóm nghiên cứu cũng khuyến khích người trồng ứng dụng việc cung cấp cho cây khoai những nguồn năng lượng vô hình như phương pháp canh tác phổ biến hiện nay ở Nhật Bản là chăm sóc một cách tỉ mẩn như chăm cây cảnh, cho cây nghe nhạc thư giãn để kích thích nguồn năng lượng tích cực trong cây. Từ đó, cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, cho hàm lượng saponin cao hơn bình thường” – chị Sanh nói.
Hiện nay, chị Sanh đang khảo sát chất lượng bằng việc cung cấp cho một số khách hàng dùng thử và ghi nhận ý kiến đánh giá. Với giá thành khoai lang cũ hiện nay 55 nghìn đồng/kg, khách hàng đều đánh giá cao chất lượng của củ khoai, thơm, ngon và có vị khác với khoai bình thường.
[VIDEO] – Chị Sanh nói về những định hướng sắp tới của mô hình khoai lang saponin:
Chị Sanh vừa đưa đi kiểm nghiệm chất lượng khoai ở những vùng trồng Tam Kỳ và Nam Trà My. Khi có được kết quả, chị sẽ tập trung chăm sóc ở những nơi có điều kiện tốt nhất, nhân giống với quy mô lớn hơn và triển khai rộng rãi cho người dân trên địa bàn tỉnh bằng việc cung cấp giống và chuyển giao công nghệ, phương pháp canh tác.
Trong tương lai không xa, chị Sanh sẽ đóng vai trò là người thu mua khoai lang của nông dân rồi sản xuất các sản phẩm thương mại từ củ và dây khoai, có thể là thực phẩm ăn kiêng, ăn vặt và dài hơi đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gắn với chuyển đổi xanh, phát triển bền vững nên mô hình này giúp tái tạo đất sạch rất hiệu quả, tiến tới mô hình kinh tế tuần hoàn.
“Trước mắt, quan trọng nhất là chuẩn hóa quy trình sản xuất, chọn vùng thâm canh tốt nhất để tiến tới liên kết sản xuất với nông dân. Ý nghĩa cuối cùng của nhóm nghiên cứu và bản thân tôi là làm sao giúp cho người nông dân có nguồn thu nhập cao và ổn định từ giống khoai lang đặc biệt này”
Chị Nguyễn Thị Hồng Sanh chia sẻ