Theo ông Trần Úc, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng gặp khó khăn, qua đó tác động, chi phối rất lớn đến tiến trình phát triển kinh tế xã hội thị xã, khiến nguồn thu trên địa bàn không đạt.
Một tồn đọng khác chính là vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư. Trong đó, những bất cập về cơ chế chính sách đang là rào cản rất lớn trong quá trình phát triển đô thị. Mặc dù thị xã Điện Bàn cũng đã lập nhiều ban, nhiều tổ đến từng thôn, khối phố khắc phục, tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn vướng, nhiều dự án trọng điểm vẫn chậm triển khai. Qua 3 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 3%.
Bên cạnh khối lượng, áp lực công việc nhiều, việc thanh tra, kiểm tra liên tục (một số việc đến nay Thanh tra Chính phủ vẫn chưa kết luận) đã tạo áp lực rất lớn trong quá trình tổ chức thực hiện.
“Năm 2024, nguồn thu nội địa được tỉnh giao, HĐND thị xã giao là 2.900 tỷ đồng, nhưng quý I/2024 mới thu được khoảng 11%. Đặc biệt, trong số 1.400 tỷ động được giao từ quyền khai thác sử dụng đất (gần 50% thu nội địa) nhưng quý I chỉ thu được 0,2% (khoảng 3 tỷ đồng) nên chắc chắn mất cân đối về ngân sách”, ông Úc thừa nhận.
Lãnh đạo địa phương này đề xuất, Điện Bàn với vai trò là vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng phía bắc Quảng Nam nên cần hơn nữa sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo tỉnh, đặc biệt sự đóng góp, đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm lan tỏa những điểm sáng, những mặt tích cực trong quá trình phát triển của địa phương. Điện Bàn cũng sẽ luôn cầu thị lắng nghe những đóng góp, phê bình… để phát triển tốt hơn thời gian tới.