Thức uống tuổi thơ
Ông Kinh kể, lúc còn nhỏ, khi cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn và những sản phẩm như sữa, nước yến là mặt hàng xa xỉ thì mỗi dịp sau tết âm lịch, người dân vùng cao Hiệp Đức lại rủ nhau lên rừng nhổ củ ngải về làm tinh bột. Họ dùng thân cây mây, đốt cho gai nổi lên rồi chà lên củ ngải tạo bột. Sau đó, để bột lặng dưới nước rồi mang phơi khô, nghiền thành bột, bảo quản trong hủ để dùng dần.
Hồi đó, tôi thấy người ta đi rừng là pha một chai mang theo uống dọc đường. Con nít chảy máu cam cũng cho uống tinh bột ngải. Trong nhà có phụ nữ sắp sinh thì chắc chắn phải để sẵn tinh bột ngải, lúc vừa sinh em bé phải uống ngay để lại sức. Ông bà thường nói tinh bột ngải còn dùng để chống viêm, làm giải nhiệt cơ thể
Ông Phan Văn Kinh
Ông Kinh lúc nhỏ vì hay đau vặt nên cũng được gia đình cho uống nước tinh bột ngải để bồi bổ sức khỏe. Sau này, nhớ về thức uống tuổi thơ này, ông tìm đọc nhiều tài liệu và biết được, củ ngải còn có tên là củ nghệ trắng, thuộc họ gừng, chứa nhiều hợp chất như glycoside, saponin giúp chống oxy hóa, chiết xuất hexane từ loại củ này được dùng trong điều trị kháng khuẩn… và nhiều giá trị y học khác trong điều trị chống ung thư, kháng viêm, giảm đau.
Từ khi kinh tế người dân có nhiều cải thiện, nhiều loại thuốc và thực phẩm dinh dưỡng khác xuất hiện trên thị trường, tinh bột ngải dần bị người dân bỏ quên. Sau khi tìm hiểu công dụng của củ ngải, ông Kinh đi rừng tìm mang về và làm tinh bột như công thức của người xưa. Đến khi đủ điều kiện, ông đầu tư máy móc để sản xuất với số lượng lớn hơn, mang đến cho người dân một loại thực phẩm bổ dưỡng với giá thành thấp hơn rất nhiều so với những thực phẩm chức năng trên thị trường.
[VIDEO] – Ông Phan Văn Kinh chia sẻ về ý tưởng sản xuất tinh bột ngải của mình:
“Lúc tôi mang củ ngải về sơ chế, bà con đi ngang thấy và dặn làm giúp một ít. Hầu như ai ở Hiệp Đức hay những vùng trung du Quảng Nam đều biết đến củ ngải này nhưng lâu rồi không thấy. Nghĩ vậy, tôi đã đầu tư sản xuất với quy mô lớn, làm sản phẩm bán cho bà con” – ông Kinh nói.
Đa dạng sản phẩm từ củ ngải
Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhiều người bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sử dụng thực phẩm sạch, thuần tự nhiên và an toàn. Đây cũng là cơ hội cho ông Kinh.
Có máy móc hỗ trợ, ông Kinh làm tinh bột ngải nhiều hơn. Một năm ông có thể sản xuất được hơn 500kg bột, với giá bán ra thị trường 300 nghìn đồng /1kg, thu về hơn 150 triệu đồng. Năm 2022, sản phẩm tinh bột nghệ trắng của ông Kinh được chứng nhận đạt 3 sao OCOP.
Mỗi năm, ông nhập khoảng 10 tấn củ ngải tươi từ người dân đi rừng. Những củ có trọng lượng trên 200gram ông mới sử dụng làm tinh bột, còn những củ nhỏ hơn, ông khuyến khích người dân trồng lại.
Anh Dương Quang Phương (SN 1981, xã Quế Lưu, Hiệp Đức) có 15ha đất trồng cây cao su và cây ăn quả, anh đang liên kết trồng củ ngải với ông Kinh xen vào các khu vực trống trong rừng nhà mình.
“Hiện nay, tôi đã trồng xen củ ngải được khoảng 3ha, vì loài này thích hợp với thổ nhưỡng ở đây nên nhanh chóng sinh trưởng và phát triển tốt. Có những khu vực tôi mới trồng 3 – 4 củ, nay đã mọc thành bụi. Sắp tới, tôi sẽ trồng hết diện tích đất còn lại để cung ứng nguồn nguyên liệu ổn định cho anh Kinh làm tinh bột” – anh Phương nói.
[VIDEO] – Anh Dương Quang Phương chia sẻ về việc nhân giống cây ngải trắng:
Ông Kinh cho biết, sản phẩm của ông chủ yếu bán tại địa phương, do khách quen giới thiệu, vì tinh bột ngải chưa được thị trường biết đến rộng rãi. Vì vậy, để đưa sản phẩm này vươn ra khỏi địa phương, ông Kinh đang nghiên cứu một số giải pháp về marketing, bán hàng online và phát triển thêm nhiều sản phẩm khác.
“Chúng tôi cần làm sao để khách hàng biết đến nhiều hơn về công dụng của củ ngải trắng, về câu chuyện sử dụng tinh bột ngải của ông bà ta ngày trước. Cạnh đó, nếu tinh bột ngải pha nước uống như cách truyền thống sẽ hơi bất tiện khách hàng, tôi sẽ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm bánh từ nguyên liệu này. Với hàm lượng dinh dưỡng cao từ củ ngải, tôi nghĩ chế biến sản phẩm thành bánh ăn vặt cho trẻ em sẽ được thị trường đón nhận” – ông Kinh cho hay.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nguoi-phuc-hoi-tinh-bot-ngai-trang-tren-dat-hiep-duc-3144245.html