Chị Trần Thị Như Nguyệt chia sẻ, sách có vai trò rất quan trọng trong đời sống bởi là tinh hoa tri thức của nhân loại. Đọc sách giúp tích lũy kiến thức để học tập, nghiên cứu và làm giàu đời sống tinh thần.
Tuy nhiên, thực tế giới trẻ dường như ngày càng ít tìm đến sách, báo hơn. Khi văn hóa nghe, nhìn lấn át văn hóa đọc thì cần kết nối để đưa sách đến với cộng đồng nói chung, giới trẻ nói riêng.
Trong những năm qua, chị Nguyệt đã tham mưu cơ quan, xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND các xã trên địa bàn phát triển các phòng đọc sách cộng đồng; tổ chức thành công các buổi ra mắt phòng đọc sách cộng đồng tại nhà văn hóa các thôn thuộc các xã.
Ở mỗi phòng đọc sách cộng đồng, có hơn 600 bản sách và hơn 200 đầu báo, tạp chí từ thư viện huyện luân chuyển. Mỗi năm, Thư viện huyện Núi Thành đều bổ sung sách, báo mới đủ các thể loại cho các phòng đọc sách cộng đồng ở cơ sở.
Để phát triển văn hóa đọc trong thế hệ trẻ, chị Nguyệt tham mưu Thư viện huyện tổ chức thành công Ngày hội sách với nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa như tổ chức cuộc thi cảm nhận về sách với chủ đề “Cuốn sách em yêu”, hội thi “Xếp sách nghệ thuật”, hội thi vẽ tranh “Nét vẽ xanh 2023”.
Đồng thời phối hợp với Thư viện tỉnh đưa xe ô tô lưu động phục vụ sách tại hầu khắp các trường tiểu học, THCS trên địa bàn các xã, nhất là các địa bàn vùng xa như Tam Trà, Tam Thạnh, Tam Sơn.
Cùng với đó, chị đã quyên góp, tiếp nhận hơn 1.000 đầu sách hay, giá trị của các nhà văn, nhà báo rồi quảng bá, giới thiệu, kích thích văn hóa đọc trong các em học sinh.
Đối với nhiệm vụ chuyên môn, chị thường xuyên xử lý, biên mục, dán mã vạch sách vào phần mềm quản lý thư viện và hướng dẫn cho bạn đọc dễ dàng tra cứu sách trên phần mềm mã nguồn OpenBiblio.
Chị dành nhiều thời gian để biên soạn các thư mục chuyên đề; tổ chức trưng bày giới thiệu sách với các chủ đề về Bác Hồ, về vùng đất, con người Quảng Nam – Núi Thành, về các lễ hội dân gian…
“Tôi thường xuyên giới thiệu chuyên mục “Sách mới mỗi tuần” trên sóng Đài phát thanh của huyện để văn háo đọc ngày càng phát triển, lan tỏa trong cộng đồng, giới trẻ” – chị Nguyệt nói.
Theo chị Nguyệt, sách đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy, rèn luyện tính cách con người. Bởi vậy, sẽ tiếp tục khuyến khích, phát triển văn hóa đọc sách trong cộng đồng; góp phần lan tỏa thói quen đọc sách trong các gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, tiến đến xây dựng xã hội học tập ở Núi Thành.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nguoi-lam-cau-noi-van-hoa-doc-o-nui-thanh-3139429.html