Vùng đất Tam Sơn xa xôi cách trở từng trải qua quá khứ gian lao. Trước đây muốn lên vùng này chỉ có một cách là theo những chuyến đò qua lòng hồ Phú Ninh. Sau này, Nhà nước hỗ trợ đầu tư làm các tuyến đường Tam Anh – Tam Sơn, cầu Thuốc Hột, tuyến nối Tam Lãnh (Phú Ninh) mới hết cảnh độc đạo, đò giang cách trở.
Mười năm về trước, tuyến đường từ Tam Hiệp đi Tam Trà qua Tam Sơn được cải tạo, thảm nhựa. Tuy nhiên, chính quyền địa phương gặp không ít thách thức khi giải tỏa mặt bằng mở rộng đường ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân có đất, cây cối, hoa màu. Một số hộ chưa đả thông tư tưởng, chần chừ bàn giao mặt bằng.
Trong khi công tác vận động, tuyền truyền một số hộ dân đang gặp bế tắc thì ông Phạm Ngọc Yến (thôn Mỹ Đông, Tam Sơn) đã tiên phong hiến toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng để Nhà nước mở đường.
“Tôi bảo vợ mình rằng quê hương bao năm qua đã khổ nhọc chuyện đi lại thì nay mình hiến để có con đường to đẹp hơn và cũng cho con cháu mình hưởng lợi thôi. Vợ chồng đồng thuận nên gia đình tôi không nhận tiền bồi thường. Và càng vui hơn khi thấy tôi tình nguyện hiến đất nên bà con ai nấy cũng bớt so sánh thiệt hơn, chủ động bàn giao mặt bằng để thi công con đường” – ông Yến nhớ lại.
Tuyến ĐH8 hình thành giúp giao thông đi lại từ trung tâm huyện Núi Thành lên vùng cao Tam Sơn và ngược lại được thuận lợi hơn. Dọc theo 2 bên đường lớn đã mở có hàng trăm ngôi nhà kiên cố mọc lên, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới Tam Sơn.
“Chấp
nhận thiệt thòi một chút nhưng con đường ĐH8 thảm nhựa sạch sẽ, lòng đường rộng
7m đi qua trông đẹp đẽ, bộ mặt làng quê khang trang hẳn và cũng giúp
gia đình tôi buôn bán kinh doanh thuận lợi”Ông Phạm Ngọc Yến
Tiếp tục được các cấp quan tâm, gần đây nhất, tuyến đường dân sinh Thuận Yên Tây nối Mỹ Đông được mở rộng, nâng cấp theo quy mô đường giao thông nông thôn loại A, bề rộng nền đường cả bê tông và lề đất 6,5m. Với phương châm Nhà nước đầu tư vốn, nhân dân hiến đất, cây cối, di dời vật kiến trúc…
Chẳng cần đợi chính quyền vận động, ông Phạm Ngọc Yến lại lần nữa tự nguyện để đơn vị đo đạc cắm mốc giải phóng mặt bằng qua các mảnh ruộng của gia đình ông. Ông Yến nói: “Đường cũ nhỏ hẹp đi ngang qua cánh đồng, lại nham nhở ổ gà ổ voi nên các cháu học sinh sẽ gặp nguy hiểm đi lại vào mùa mưa, buổi tối. Nếu mình không hiến, thì không biết đến bao giờ Tam Sơn mới có được con đường nhựa nối từ Thuận Yên Tây lên Mỹ Đông và liên thông với các huyện Phú Ninh, Tiên Phước”.
Do diện tích hiến đất chưa đáp ứng đủ theo thiết kế, Ban vận động hiến đất xã Tam Sơn đến nhà ông vận động hiến thêm đất. Ông Trần Công Hiệu – Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn cho biết: “Khi đến vận động thêm lần nữa (lần thứ 3) thì chúng tôi cũng khá ngần ngại, lo gia đình ông Phạm Ngọc Yến sẽ từ chối vì tổng diện tích bị ảnh hưởng của hộ ông lên đến cả sào ruộng. Nhưng thật tuyệt vời là gia đình ông gật đầu đồng ý ngay”.
Việc hiến đất làm đường của ông Phạm Ngọc Yên đã lan truyền khắp các thôn xóm, trở thành tấm gương sáng giúp địa phương gỡ nút thắt đối với một số hộ chưa đồng tình với chủ trương chung. Sau khi hiến đất xong thì ông lại cùng các tổ vận động đến các gia đình bị ảnh hưởng đất đai để thuyết phục họ. Tận thấy tấm gương sáng và nhận thức được lợi ích khi con đường Thuận Yên Tây – Mỹ Đông được mở rộng, nâng cấp nên nhiều bà con cũng “làm theo” ông Yên và tự nguyện hiến đất mở đường.
Đến nay, 80% con đường ĐH8 đã hoàn thành và chỉ còn vài nút thắt cổ chai chưa thể thi công được do người dân cần thời gian, kinh phí để di dời tường rào, cổng ngõ. “Chúng tôi cảm ơn ông Phạm Ngọc Yến và những người dân tốt bụng đã quên quyền lợi riêng tư mà góp công sức vào việc chung của xã nhà” – Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn Trần Công Hiệu nói thêm.
[VIDEO] – Ông Phạm Ngọc Yến (thôn Mỹ Đông, Tam Sơn, Núi Thành):