Kho báu về tư liệu
“Ma” là mài giũa, “nhai” là vách núi. Theo đó, “Ma nhai” là một loại hình văn khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, khắc trực tiếp lên các phiến đá trên vách núi tự nhiên sau khi đã gia công mài giũa bề mặt phiến đá.
Qua khảo sát, cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng thống kê được có 79 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán – Nôm) của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, niên đại từ nửa đầu thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Các văn bản này chủ yếu nằm trong ngọn Thủy Sơn phân bố rải rác ở các động Hoa Nghiêm, động Huyền Không, động Tàng Chơn, động Vân Thông, động Linh Nham…
Bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thông tin, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (11/2022) ở Hàn Quốc, các thành viên đánh giá cao về Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ma nhai Ngũ Hành Sơn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học.
Theo Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, mỗi Ma nhai là thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại. Hệ thống Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động.
Việt Nam hiện có 3 di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới là Mộc bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn miếu Quốc Tử Giám, Châu bản triều Nguyễn. Đối với Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nước ta có 7 di sản tư liệu, gồm: Châu bản triều Nguyễn; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Mộc bản trường Phúc Giang; Hoàng Hoa sứ trình đồ; Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh; Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở hoàng cung Huế.
Đặc biệt, Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn (cụ thể là bia “Phổ Đà Linh Trung Phật”) luôn là nguồn dẫn liệu quan trọng của tất cả nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tư liệu này càng quan trọng hơn khi đề cập vấn đề ngoại giao văn hóa kinh tế của 3 nước Việt Nam – Trung Quốc – Nhật Bản nói riêng và giao lưu hàng hải khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
So với các địa chỉ lưu dấu văn khắc trên đá nổi tiếng của Việt Nam, Ngũ Hành Sơn vượt trội về mặt số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tập nhiều thế hệ tác giả là những danh nhân, yếu nhân của 3 miền đất nước cũng như ngoại kiều.
Hơn nữa, văn khắc trên vách đá ở Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc đá tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn còn đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố bia ký tại Việt Nam.
“Chứng nhân” của vùng đất
Trải qua thời gian gần 400 năm, bắt đầu từ thời chúa Nguyễn, do ảnh hưởng của khí hậu, thời gian, chiến tranh và con người, Ngũ Hành Sơn nay chỉ còn 52/79 Ma nhai Hán – Nôm còn đọc được. Số còn lại bị bào mòn bởi thời gian, bôi lấp bởi các lớp sơn và xi măng, bị nứt vỡ bởi chiến tranh, hoặc bị người đời sau đục bỏ, đôi khi khắc thêm chữ quốc ngữ, làm biến dạng hoặc mất một số chữ Hán.
Theo chuyên gia của Bảo tàng Đà Nẵng, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn tư liệu quý cho biết diện mạo, vẻ đẹp nguyên thủy của một vùng thắng tích nổi tiếng trong lịch sử. Hầu như trong các Ma nhai dạng thơ vịnh cảnh tại Ngũ Hành Sơn đều nhắc đến vẻ đẹp sông nước của danh thắng. Đó là con sông Cổ Cò (hay còn gọi là Lộ Cảnh Giang) nằm uốn quanh cụm núi Ngũ Hành Sơn, nối từ Cửa Đại (Hội An) đến cửa Hàn (Đà Nẵng).
Trong Ma nhai Ngũ Hành Sơn, nhiều địa danh là các làng xã cổ của địa phương được nhắc đến. Nhiều làng xã nay không còn, hoặc chỉ tồn tại với tư cách là khối phố, khu dân cư hoặc chỉ còn được biết đến qua tên đường. Như vậy, sự xuất hiện danh xưng một số làng xã trên tư liệu Hán – Nôm sẽ giúp cho việc nghiên cứu địa danh (khởi danh, cải danh, diên cách) làng xã đất Quảng, bổ sung cho tài liệu cổ như “Ô châu cận lục” và “Phủ biên tạp lục” cũng như các bộ địa chí của triều Nguyễn sau này.
Bên cạnh đó, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn cứ liệu lịch sử chân xác phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội của 3 đất nước: Việt Nam – Trung Quốc – Nhật Bản trong một giai đoạn dài cách đây vài thế kỷ. Ngoài ra, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là sử liệu về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời cũng là nguồn sử liệu cho thấy tư tưởng chính trị của triều đình nhà Nguyễn.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ngon-nui-chua-ky-uc-the-gioi-3142761.html