Là người làm công tác bảo tồn, bảo tàng có kinh nghiệm hàng đầu ở nước ta, PGS. Nguyễn Văn Huy chỉ rõ: Bề dày của mỗi nền văn hóa được “nói” qua các di sản lịch sử văn hóa, trong đó những di sản vật chất có giá trị rất lớn.
Các hiện vật trong bảo tàng, di tích là những bằng chứng sinh động kể những câu chuyện lịch sử – văn hóa cho các thế hệ trẻ. Mỗi hiện vật, mỗi tài liệu đều có những thông tin bị ẩn đi mà những người muốn phát huy giá trị di sản phải nghiên cứu để trả lời các câu hỏi: Nó là của ai, được ai làm ra, khi nào, ở đâu, như thế nào và tại sao lại có nó…? Giáo dục di sản chính là giúp cho thế hệ trẻ đi tìm và trả lời được những câu hỏi này trên mỗi hiện vật, mỗi di tích.
Cần thiết triển khai
Quảng Nam là vùng đất hội tụ các di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi nhận: Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ cùng rất nhiều di sản văn hóa cấp tỉnh và quốc gia.
Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003, từ đó được tiếp nối tổ chức định kỳ 2 năm một lần nhằm quảng bá ra bên ngoài những di sản có giá trị toàn cầu và những nét văn hóa đặc trưng của địa phương.
Song, hoạt động giáo dục di sản cho thế hệ trẻ vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đầy đủ của các cấp, các ngành, nhà trường và của toàn xã hội.
Năng lực tổ chức hoạt động giáo dục di sản cũng như các điều kiện kèm theo (kinh phí, thời gian, nhân lực…) chưa được đầu tư đúng mức. Hơn thế nữa, các nội dung giáo dục di sản cũng chưa được vận dụng linh hoạt vào đặc điểm của từng địa phương. Việc phối hợp các lực lượng giáo dục di sản chưa chặt chẽ, cơ chế và sự vận hành phối hợp chưa thực sự hiệu quả.
Trong chương trình xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, có 2 nội dung liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đó là: Tổ chức đời sống văn hóa tinh thần trong nhà trường gắn với việc khai thác văn hóa dân gian; chăm sóc di sản gắn với tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa.
Nghĩa là bao gồm cả việc giáo dục di sản và giáo dục thông qua di sản, làm cho học sinh hiểu biết về di sản, từ đó có tình cảm, đạo đức, niềm tự hào về các giá trị truyền thống của dân tộc, đất nước.
Thế nhưng, trên thực tế, số lượng học sinh hiểu biết về giá trị của các di sản văn hóa chưa nhiều, tình trạng “mù” về di sản đáng báo động. Điều này rõ ràng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa.
Học qua hiện vật
Một trong những nguyên tắc then chốt của lý thuyết giáo dục di sản trong bảo tàng học hiện đại là ý tưởng “nhìn qua hiện vật”. Theo đó, học sinh được tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hiện vật, được nghe câu chuyện của hiện vật. Bảo tàng trở thành những lớp học, sử dụng hiện vật và các thông tin khác của di sản để mở rộng kiến thức lịch sử – văn hóa cho học sinh. Các em sẽ được hướng dẫn, gợi mở những câu hỏi, tìm câu trả lời và rút ra kết luận trên các hiện vật.
Giáo dục di sản thông qua trải nghiệm có tác dụng truyền cho học sinh những cảm hứng mạnh mẽ, kích thích trí tưởng tượng để các em có được những ấn tượng sâu sắc và sinh động, thúc đẩy tư duy, tăng thêm nhận thức và tình yêu lịch sử – văn hóa. Từ đó, biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn.
Việc làm này là cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay. Bởi không có cách giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” để hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp. Tình yêu đất nước của mỗi người đều phải bắt nguồn từ tình yêu quê xứ.
Ở thủ đô Hà Nội, nhiều năm nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức cho hàng chục nghìn học sinh tiểu học và THCS tham gia các chương trình giáo dục di sản. Trung tâm đã tổ chức nhiều khu vực tương tác và hoạt động trải nghiệm cho học sinh, xây dựng các chuyên đề giáo dục di sản phù hợp với từng cấp học, gắn các bài học lịch sử vào chương trình tìm hiểu di sản, với các chủ đề.
Từ năm 1994, UNESCO đã thành lập Chương trình Giáo dục di sản thế giới cho thanh, thiếu niên (WHE) nhằm thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong việc bảo tồn di sản thế giới. Giáo dục di sản là một cách hữu hiệu để dạy về lịch sử và văn hóa, trong đó sử dụng những thông tin, tư liệu của/về các di sản văn hóa. Các điểm di sản, các thiết chế văn hóa đều có thể trở thành địa điểm học tập mà học sinh tất cả lứa tuổi được trực tiếp trải nghiệm, học tập.
Cách làm của Hội An
Ở TP.Hội An, sau 7 năm thử nghiệm, từ năm học 2021 – 2022 Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã phối hợp với Phòng GD-ĐT đưa vào giảng dạy chính thức bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường” tại các trường tiểu học trên địa bàn. Hơn 10.300 ấn phẩm tài liệu dành cho giáo viên và học sinh, 5 video clip, 10 tài liệu chủ đề trực quan đã được xuất bản, phát hành. Trong đó, nổi bật là những nội dung liên quan đến di tích, di sản văn hóa Hội An.
Việc triển khai giảng dạy bộ tài liệu đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh. Hình thức trình bày tài liệu súc tích, khoa học nhưng vẫn đảm bảo phong phú, sinh động.
Qua đó giúp giáo viên thuận lợi trong việc chuyển tải nội dung bài giảng cũng như học sinh dễ tiếp cận, tiếp thu trong quá trình học tập, trải nghiệm. Ngoài giờ học trên lớp, hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” đã mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm thú vị, giúp trang bị nhiều kiến thức cơ bản về vùng đất, con người Hội An. Qua đó giúp nâng cao ý thức trách nhiệm, tình yêu di sản, lịch sử, văn hóa truyền thống địa phương.
Chương trình giáo dục di sản trong học đường của Hội An được dư luận đánh giá cao và phù hợp với những khuyến nghị quan trọng trong các Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể.
TS. Nguyễn Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: “Hội An đã thành công trong việc gắn kết giữa giáo dục di sản tại các di tích với chương trình giáo dục trong nhà trường. Tôi nghĩ rằng vấn đề này cần phải nghiên cứu mở rộng hơn nữa, có thể chúng ta sáng tạo kết hợp với các môn khoa học xã hội như hiện nay để đạt được kết quả thiết thực và đi vào chiều sâu. Nếu chương trình được thực hiện tốt tại Hội An sẽ là một kinh nghiệm được UNESCO ghi nhận. Mô hình này cần được chia sẻ với các khu di sản thế giới, các di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng tỉnh và thành phố”.
Từ những cách làm mới mẻ và hiệu quả của Hội An và nhiều nơi trong nước thiết nghĩ, đã đến lúc cần đầu tư nâng tầm giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, Đấy cũng là cách đầu tư có hiệu quả cho tương lai.
Các bảo tàng, di tích có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục các em xây dựng nền tảng văn hóa, kiến thức lịch sử một cách bền vững. Thật là nghịch lý khi mà thời gian qua các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan đã đầu tư rất nhiều kinh phí để tu bổ, trùng tu các di tích, thành lập các bảo tàng nhưng lại chưa đầu tư cho các đề án dài hơi, căn cơ về giáo dục di sản thông qua các di sản, bảo tàng!
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nghi-ve-giao-duc-di-san-cho-the-he-tre-3144654.html