Văn nghệ dân gian như những khúc hát của thời gian, lịch sử con người và đất nước. Sự giao lưu của nhiều luồng văn hóa trong lịch sử để lại những dấu vết đậm nhạt ở từng vùng văn hóa dân gian.
Tinh thần trọng nhân nghĩa
Trong những thời điểm lịch sử sôi sục, rời quê cũ miền Bắc, đến đất mới, gia sản tinh thần người Quảng mang theo trên bước đường Nam tiến lập nghiệp ấy, có lẽ ngoài những câu hát, điệu hò của chốn quê làng xưa, chẳng có gì hơn.
Những khúc ca dân gian còn lại trong trí nhớ của người đến vùng đất này, khi cuộc sống gian khổ – phải đấu tranh với thiên nhiên, thú dữ và cả người bản địa, lâu dần nó tự biến đổi, thành cái vốn văn nghệ dân gian riêng của chính những người lao động chân lấm tay bùn ở phía Nam đèo Hải Vân.
Những con người hiền lành, chơn chất của xứ Quảng luôn nhắc nhau sống trong sạch. Họ sống với một thái độ trung thực, thiết tha gắn bó với cuộc sống, với con người, dám hy sinh vì nghĩa, nhưng chỉ “phò nguy chứ không phò thịnh”, bởi vì “lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói cao”.
Tinh thần trọng nhân nghĩa, ghét thói bội bạc, khinh những điều tà vay, tất yếu đưa tới thái độ chống đối những áp bức bóc lột của xã hội phong kiến. Và, như chúng ta đã biết, văn học dân gian vùng đất Quảng càng về sau càng mang tính đấu tranh với khát vọng thoát khỏi những xiềng xích. “Nguyện cùng nhau đất chín, ông trời mười/Trăm năm không bỏ ngãi người đâu người lo”.
Nói tới con người xứ Quảng, ta thường nghe nhận xét: “Quảng Nam hay cãi”. Ngay cả trong sinh hoạt, giao tế hằng ngày, người dân xứ Quảng cũng được nhìn nhận là bộc trực, thẳng thắn, có khi đi tới chỗ vụng về, cố chấp.
Tinh thần ấy ở người xứ Quảng có thể bị chê là thô lậu: “ăn cục nói hòn”, hoặc “ăn to nói lớn”. Họ chân thật, trung hậu trong quan hệ giữa người với người, ghét những thói đãi bôi, mưu mô vặt trong cuộc sống: “Hỏi em mưu kế ai bày/ Câu liêm, rựa quéo, lược dày, lược thưa/ Hỏi đà sướng bụng em chưa?/ Câu liêm, rựa quéo, lược thưa, lược dày”.
Có lẽ vậy mà người Quảng rất ngại những diễn biến tâm lý phức tạp, vì họ không quen “chẻ sợi tóc làm tư”: “Ruối tơ, ruối chỉ gỡ xong/ Ruối đầu có lược, ruối lòng khó phân”.
Cho nên, những con người chân chất ấy trước sau vẫn rất đỗi tự hào và giàu tự tin: “Núi Cà Tang hòn ngang, hòn dọc/Hỏi thử bạn nguồn kẻ trọc, người thanh/ Mấy ai bằng được như anh/ Mặc ai tráo trở, anh cứ làm lành, ở ngay!”.
“Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo”
Xã hội phong kiến, thân phận của người phụ nữ ở nông thôn giống như những kẻ bị giam hãm trong cảnh đói nghèo và không có tự do.
Họ bị ràng buộc một đàng bởi những lễ giáo và pháp quyền bất công của chế độ phong kiến Nho giáo, một đàng bởi những tư tưởng thần quyền, với thuyết thiên mệnh như đã in hằn dấu vết trên cuộc đời: “Thương thay con hến, con sò/ Nắng mưa chịu vậy biết bò đi đâu?”.
Trong cuộc sống không thấy ngày mai tươi sáng ấy, phụ nữ mới là những kẻ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ nhất: “Thân em như trái dưa gang/ Một mai nắng héo giữa đàng ai trông?”.
Nhưng, trong tiếng ca buồn khổ của họ, vẫn toát lên những điều dịu dàng. Nó giúp ta hiểu được rằng ở những tâm hồn nhân hậu vẫn phải chịu nhiều đau khổ dưới mấy tầng áp bức ấy, tiềm ẩn sức chịu đựng dẻo dai.
Qua ca dao, dân ca ở vùng đất sông Thu, núi Chúa này, chúng ta như thấy được sự kiên trì, nét cười dịu dàng nhưng quyết liệt của những phụ nữ. Nó chắp đôi cánh nhân bản cho họ bay lên, vượt khỏi hoàn cảnh đau khổ, xót xa của thân phận những con cò.
Đồng thời thầm thì trong ấy tiếng hát của tình thương yêu bao la, không điều kiện, thấm nhuần tính chất quên mình của những bà mẹ.
Đó không phải là sự chịu đựng mù quáng vì yếu hèn, mà là ý thức quên mình, hy sinh những niềm vui, hạnh phúc vì người yêu, chồng, con. Đó chính là cội nguồn sức mạnh hầu như vô tận của người phụ nữ Việt Nam: “Thương chồng nên phải theo chồng/Đầu gánh, đầu gồng, đầu gạo, đầu con”.
Bước qua đầu thế kỷ 20, cùng phong trào Duy tân, có một bài ca dao đã trở thành bài ca thể hiện rõ nhất bản chất của con người xứ Quảng. Bài ca này bắt đầu bằng hai câu ca dao hát theo thể hứng, xuất phát từ thực tế là đất Quảng Nam màu mỡ, nhiều phù sa.
Đồng thời là tiếng ca phục vụ các phong trào yêu nước, có tính cách kêu gọi, tập hợp, trở thành tiếng gọi tràn đầy thiết tha: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Bạn về nhịn ngủ, gác tay/ Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo”.
Quy mô sử thi trong việc mô tả những sự kiện lịch sử – xã hội trong văn nghệ dân gian xứ Quảng thường được kết hợp với tính trữ tình. Xét trên bình diện phẩm chất, chính là sự thể hiện bản chất kiên cường, bộc trực, “hay cãi” nhưng giàu lòng nhân nghĩa của con người Quảng Nam; là khát vọng hướng tới cái đẹp, tới chân lý và cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Và tất yếu, nó là khuynh hướng biểu hiện rất tự nhiên của tâm lý con người: Tin vào điều thiện, tin ở lẽ trời, tin vào bản chất tốt đẹp vốn có của con người.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nghe-thuat-dan-gian-cua-nguoi-quang-3139372.html