Đồng hành với doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Trung – đại diện Vinaconex Quảng Nam cho rằng, ngành xây dựng và bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp (DN) của 2 ngành này khó trả nợ đúng hạn khi vay vốn của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng thương mại khắt khe hơn về các điều kiện cho vay, nhất là cho vay với lãi suất cao, các DN khác khó tiếp cận.
Theo ông Trung, lĩnh vực bất động sản thông thường có 3 phần việc là giải phóng mặt bằng, nộp ngân sách và đầu tư xây dựng. DN rất khó tiếp cận vốn của nhiều ngân hàng khi tổ chức tín dụng yêu cầu phải có sổ đỏ mới cho vay.
Với những khó khăn nêu trên, hội nghị kết nối ngân hàng – DN rất thiết thực vì đây là cơ hội để hai bên ngồi lại với nhau, tìm cách khơi thông tín dụng vào sản xuất kinh doanh, khôi phục, phát triển kinh tế. “Ngành ngân hàng cần tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị riêng về từng lĩnh vực cho vay, để có những ý kiến chuyên sâu, sát với thực tế” – ông Trung nói.
Ông Phan Ngọc Minh – Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Quảng Nam nêu: Lãi suất ưu đãi, lãi suất thấp thuộc những nhóm ngành nào, DN nào có thể tiếp cận và liệu sau khi vay năm đầu tiên, bước qua năm thứ 2 DN có còn được ưu đãi? Vấn đề này, ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại cần thông tin, thông báo rõ để cộng đồng DN biết, tìm hướng tiếp cận đầu tư sản xuất kinh doanh.
Theo ông Minh, DN tiếp cận vốn vay không chỉ có hợp đồng tín dụng là xong mà còn phải chịu nhiều loại phí, bảo hiểm. Việc này các ngân hàng cần khắc phục để tạo thuận lợi, đồng hành với DN. Tình trạng ngân hàng thừa tiền còn DN thiếu vốn vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh.
“Các tổ chức tín dụng nên giảm thủ tục, ràng buộc hồ sơ, quy định khả thi của phương án sản xuất kinh doanh thì mới có thể giúp DN tiếp cận, hấp thụ vốn vào nền kinh tế. Các DN có đà hoặc bước đầu khôi phục kinh tế cần được ngân hàng tiếp sức, cho vay mới để mở rộng quy mô sản xuất, thị trường, hoạt động vững mạnh trở lại” – ông Minh nói.
Trong năm 2024, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 88 hội nghị đối thoại với DN, thu hút sự tham gia của 739 khách hàng. Đến nay, dư nợ cho vay thông qua hoạt động này đạt 8.598 tỷ đồng (chiếm 7,87% tổng dư nợ).
Kết nối cần hiệu quả hơn
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.424 DN có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại; dư nợ 42.222 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 38,68% tổng dư nợ cho vay, giảm 5,35% so với đầu năm). Nợ xấu cho vay DN là 1.184 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 2,8% tổng dư nợ cho vay DN, chiếm 52,59% nợ xấu trên địa bàn, tăng 47,08% so với đầu năm).
Trong số các DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trên địa bàn, DN nhỏ và vừa có dư nợ 12.207 tỷ đồng (chiếm 28,91% tổng dư nợ cho vay DN, giảm 15,18% so với đầu năm).
Đây là loại hình DN phát sinh nợ xấu cao; đến cuối tháng 10 là 507 tỷ đồng (chiếm 42,82% tổng nợ xấu của khối DN, tăng 50,89% so đầu năm). Thực tế quan hệ tín dụng ngân hàng – DN trên địa bàn tỉnh là dư nợ và số khách hàng còn dư nợ giảm, nợ xấu tăng.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, có nhiều nguyên nhân, như DN dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.
DN nhỏ và vừa có quy mô vốn còn hạn chế, thiếu tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng thương mại nên ảnh hưởng tới việc xem xét cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đánh giá, mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều. Các ngân hàng thương mại đã nỗ lực sẵn sàng nguồn vốn và các gói tín dụng ưu đãi, đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN khi có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nhất là DN nhỏ và vừa, DN thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do không đáp ứng các tiêu chí theo quy định của ngân hàng, có nợ xấu hoặc không đủ tài sản thế chấp.
“Các tổ chức tín dụng kịp thời giải quyết các khó khăn của DN, tiếp tục cấp tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Các DN cần nắm bắt cơ hội, xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị để có thể tiếp cận được vốn, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn” – ông Trọng nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ngan-hang-va-doanh-nghiep-o-quang-nam-ket-noi-cung-phat-trien-3144198.html