Theo ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, với chủ đề “Ngọc Linh – mãi mãi tự hào”, lễ hội sâm lần thứ 6 (diễn ra từ ngày 1-3/8) thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và tham gia các hoạt động văn hóa tiêu biểu, thông qua chương trình khai mạc, phiên chợ sâm, trình diễn cây nêu truyền thống, dân ca dân vũ…
“Đặc biệt là hoạt động đưa đón khách tham quan các địa điểm du lịch khám phá vùng sâm Ngọc Linh, trải nghiệm trò chơi dân gian, văn hóa đặc trưng, ẩm thực miền núi với tổng doanh thu ước đạt hơn 7 tỷ đồng” – ông Phước chia sẻ.
“Làm mới” lễ hội
Nhận thấy rõ nhất tại chương trình lễ hội sâm Ngọc Linh năm nay, ngoài không gian phiên chợ được trưng bày đa dạng sản phẩm dược liệu hơn các năm trước, UBND huyện Nam Trà My còn “làm mới” lễ hội bằng hoạt động đấu giá sâm Ngọc Linh để gây quỹ hỗ trợ xóa nhà tạm cho người dân khó khăn.
Hoạt động ý nghĩa này, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng tích cực từ những người trồng sâm, khi có đến 11 hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp tình nguyện tặng những củ sâm đoạt giải để Ban tổ chức đấu giá, thu về hơn 360 triệu đồng hỗ trợ xóa nhà tạm theo lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết.
Hiện nay, Nam Trà My đã quy hoạch vùng trồng sâm với diện tích hơn 15.000ha, thực hiện bảo tồn được khoảng 100ha, tương đương với khoảng 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm hơn 1.650ha với hơn 1.500 hộ dân tham gia trồng. Đồng thời thu hút 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng, với diện tích hơn 341,75ha…
Nằm trong chuỗi sự kiện của lễ hội, Nam Trà My bố trí các đoàn du khách, nhà đầu tư tham quan địa điểm du lịch nổi bật của địa phương, nhất là tour khám phá vùng sâm Ngọc Linh, trải nghiệm các trò chơi dân gian, văn hóa đặc trưng, ẩm thực độc đáo của đồng bào miền núi…
Bằng sự trải nghiệm thực tế, những vẻ đẹp hoang sơ và thế mạnh của vùng đất mệnh danh “thủ phủ sâm Ngọc Linh” được kỳ vọng lọt vào “mắt xanh” của du khách, tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu những tiềm năng độc đáo về dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Dù nhiều lần đặt chân đến Nam Trà My, nhưng ông Jin Byung Young – Quận trưởng Hamyang (tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc) cùng đoàn công tác của chính quyền quận Hamyang vẫn đầy háo hức khi chứng kiến các chương trình lễ hội sâm Ngọc Linh được tổ chức, mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao.
Vì thế, suốt thời gian ở lại Nam Trà My, người ta chứng kiến đoàn khách đặc biệt đến từ “xứ sở kim chi” luôn tìm cách hòa vào không gian lễ hội, đến từng khu trưng bày sản phẩm sâm Ngọc Linh để tìm hiểu, chiêm ngưỡng và trải nghiệm hương vị của sâm núi.
“Chúng tôi biết đến sâm Ngọc Linh từ khá lâu, trước khi kết nghĩa với huyện Nam Trà My. Bởi đây là loài sâm quý hiếm, có dược tính và hàm lượng saponin cao, mang lại giá trị kinh tế chủ lực cho người dân địa phương.
Thông qua lễ hội này, tôi nghĩ sẽ là cơ hội giúp huyện Nam Trà My giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về giá trị, tiềm năng của sâm Ngọc Linh đến với các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế” – ông Jin Byung Young chia sẻ.
Nâng quy mô xứng tầm
Từ những kết quả mang lại qua các lần tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh, đặc biệt là giá trị về kinh tế sau nỗ lực quảng bá sản phẩm “cây thuốc giấu”, Nam Trà My đang dần xây dựng thương hiệu về một lễ hội đặc trưng, mang đầy bản sắc văn hóa bản địa.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – Trần Duy Dũng nói, tại vùng núi Nam Trà My sâm Ngọc Linh có từ lâu đời, trở thành loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao, được xem như “vàng xanh” của đại ngàn.
Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia và được Quốc hội đưa vào loại cây trồng chủ lực trong khung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo ông Dũng, lễ hội nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu cây sâm Ngọc Linh, đưa loài sâm này trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, sánh ngang những loại sâm trên thế giới như sâm Hàn quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada…
“Lễ hội lần này diễn ra với nhiều hoạt động, tạo cơ hội quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho ngành dược liệu, nông nghiệp sạch của Nam Trà My nói riêng và Quảng Nam nói chung, thể hiện sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm về xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu sản phẩm quốc gia” – ông Dũng nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, để sâm Ngọc Linh xứng đáng với tầm vóc sản phẩm quốc gia, bên cạnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh gốc, người dân cần tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi gian dối, trục lợi bất chính trong việc tạo giống, trồng, buôn bán sâm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, góp phần làm tăng giá trị của cây dược liệu quý này.
“Cần tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành ở Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sâm Ngọc Linh phát triển nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng, vươn ra tầm thế giới, xứng tầm sản phẩm quốc gia.
Trước mắt, tập trung nghiên cứu tìm ra nguyên nhân cũng như các biện pháp phòng trừ dịch bệnh gây hại trên cây sâm Ngọc Linh. Thời gian tới, tập trung nâng tầm lễ hội sâm Ngọc Linh lên cấp quốc gia và quốc tế” – ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nang-tam-quy-mo-le-hoi-sam-ngoc-linh-3139043.html