Ngày 21/11, tại TP.Đà Nẵng diễn ra hội nghị triển khai Chỉ thị 30 ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nhằm tập trung tổ chức triển khai các nội dung được giao cho các bên liên quan tại chỉ thị một cách đồng bộ, sâu rộng, hiệu quả.
Bước đầu khai mở
Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với những thay đổi tích cực của cơ chế chính sách, đã góp phần thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Theo Bộ VH-TT&DL, trong giai đoạn 2016 – 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD (tương đương 3,61% GDP). Đến năm 2021, đóng góp của công nghiệp văn hóa đạt 3,92% GDP, năm 2022 tăng lên 4,04% GDP; giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2018 – 2022 có bước phát triển mạnh, đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Hiện Việt Nam có 3 đô thị tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO gồm: TP.Hà Nội, TP.Hội An (Quảng Nam), TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố trên thế giới trong việc phát triển văn hóa và sáng tạo.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá cao ở mức 7,2%/năm. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh ở mức 7,4%/năm, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin, tại Hội An đã hình thành một số không gian văn hóa sáng tạo về công nghiệp văn hóa. Có thể kể đến như “Đảo ký ức Hội An” – tổ hợp du lịch giải trí trên nền tảng văn hóa nghệ thuật – trình nghề với điểm nhấn là show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” là chương trình nghệ thuật thực cảnh gây được tiếng vang quốc tế.
Bên cạnh đó còn có Trung tâm biểu diễn Lune Hội An là nhà hát bằng tre duy nhất tại Việt Nam với các chương trình độc đáo kết hợp giữa xiếc và nghệ thuật dân gian. Khu du lịch sinh thái Cồn Bắp đang hoàn thiện, có không gian giao lưu văn hóa và biểu diễn ngoài trời trưng bày các vật phẩm và công cụ sản xuất cùng bảo tàng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Công viên đất nung Thanh Hà cũng là không gian kiến trúc độc đáo, thường xuyên tổ chức các xưởng sáng tác, tạo mẫu và giao lưu văn hóa nghệ thuật, truyền nghề cho thiếu nhi…
Dư địa lớn
Nhận thấy rõ tiềm năng to lớn của lĩnh vực này, ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 30 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nội dung của chỉ thị là phát triển nhanh, bền vững; tương xứng với tiềm năng lợi thế; mang lại giá trị gia tăng kinh tế; phát huy, quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong, chỉ thị là một bước nữa để chúng ta nâng cao nhận thức xã hội về công nghiệp văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp và xã hội làm công nghiệp văn hóa cũng như thay đổi cách làm của ngành văn hóa – thể thao – du lịch.
“Trong công nghiệp văn hóa, ngành văn hóa – thể thao – du lịch phải chuyển đổi từ việc chủ yếu làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa để kiến tạo cho các chủ thể khác phát triển, khai thác sâu rộng công nghiệp văn hóa. Dư địa chúng ta còn rất lớn, cách làm phải thay đổi, tránh tình trạng không quản được thì cấm” – Thứ trưởng Hồ An Phong nói.
Bà Trần Thị Phương Lan – Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, điều kiện tiên quyết là phải nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần làm tăng hiệu quả triển khai thực hiện nội dung của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ. Những rào cản trong nhận thức sẽ dẫn đến rào cản trong hoạch định đường lối, chính sách văn hóa.
Vì vậy, để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ nói chung, về phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng. Đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Du lịch văn hóa được xác định là một trong những “mũi nhọn” phát triển công nghiệp văn hóa. Theo ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững.
Ông Hà Văn Siêu cho rằng, để có thể phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nang-tam-gia-tri-cong-nghiep-van-hoa-3144587.html