* Thưa ông, ngay từ đầu năm 2024, huyện Nam Trà My đã triển khai thực hiện các chương trình đầu tư công, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện như thế nào?
Ông Trần Duy Dũng: Các nguồn vốn đầu tư nói chung đối với huyện Nam Trà My, trong đó có nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), ngay từ đầu năm đã triển khai giao vốn cho các ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện. Những công trình chuyển tiếp từ năm trước huyện đã đôn đốc các nhà thầu thực hiện ngay sau dịp nghỉ tết.
UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình, nơi nào chưa thực hiện thì yêu cầu nhà thầu phải thực hiện ngay, ký cam kết về tiến độ đảm bảo trên thực tế, huyện sẽ kiểm tra thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Năm 2024, huyện xác định nhiệm vụ chính cần thực hiện là đẩy mạnh thực hiện các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình MTQG, giải ngân nguồn đầu tư công đạt tiến độ.
Huyện tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ sản xuất độc canh cây lúa rẫy sang sản xuất dược liệu, ưu tiên chính là sâm Ngọc Linh, quế Trà My và các loại dược liệu khác.
Việc kêu gọi đầu tư cũng ưu tiên doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu lĩnh vực dược liệu nhằm tạo ra giá trị kinh tế lớn cho nhân dân trên địa bàn.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì tập trung xây dựng các thương hiệu, chương trình OCOP nhằm phục vụ cho người tiêu dùng, du khách và nâng cao chuỗi liên lết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống người dân.
Trong phát triển du lịch cũng sẽ tạo ra giá trị cho nền kinh tế của huyện, nên Nam Trà My sẽ gắn bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện với việc tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch. Mảng này cũng sẽ ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào mới tạo được giá trị lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
* Để triển khai công trình đảm bảo tiến độ, huyện có gặp khó khăn nào không?
Ông Trần Duy Dũng: Việc triển khai các nguồn vốn đầu tư trong thực tế có phát sinh khó khăn. Cụ thể, khó nhất là nguyên vật liệu, cát sỏi hầu như không có nên khó cho nhà thầu trong thi công công trình, vận chuyển nơi khác tới thì giá rất cao, lâu nay mua ở Kon Tum vận chuyển về nhưng các nguồn cung cũng đã bắt đầu cạn.
Về thủ tục trong lập dự án, đấu thầu thi công công trình, thiết nghĩ cấp trên cũng nên có cơ chế để bớt rườm rà về thủ tục. Vì kéo dài nên mới xảy ra chuyện đấu thầu vào mùa nắng, thi công vào mùa mưa, mà ở miền núi thì điều này sẽ vô cùng khó cho cả nhà thầu và chủ đầu tư.
Vì thế để tránh chuyện này thì cần đơn giản hóa thủ tục để đảm bảo tiến độ công trình, tiến độ giải ngân nguồn vốn. Các nguồn vốn đầu tư nên giao sớm để các địa phương chủ động trong phân bổ vốn, giao vốn thực hiện các dự án hiệu quả.
* Trước những khó khăn nêu trên, ngoài kiến nghị cấp trên thì huyện sẽ nỗ lực ra sao để câu chuyện đầu tư công nói chung, việc thực hiện các chương trình MTQG nói riêng tiến triển thuận lợi?
Ông Trần Duy Dũng: Về phần huyện đã có chủ trương hàng tuần phải nghe các cơ quan chuyên môn báo cáo công tác đầu tư công. Trên cơ sở đó giải quyết những khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu.
Kể cả việc hiện nay có một số nhà thầu năng lực thi công còn hạn chế, cần phải đôn đốc. Ngoài ra, việc kiểm tra thực tế công trình cũng được kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Đối với nguồn vốn năm 2022 còn lại không quá lớn, kết thúc năm 2023 đã giải ngân đạt trên 98% nguồn vốn của năm 2022, số còn lại đảm bảo tiến độ thực hiện theo yêu cầu. Huyện đang tập trung giải ngân nguồn vốn năm 2023 và 2024 rất lớn.
Bằng các giải pháp phải tập trung thực hiện tổng lực, ngoài nguồn vốn đầu tư còn có nguồn vốn sự nghiệp, nhất là nguồn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ dân sinh. Nguồn này huyện tập trung hỗ trợ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện.
Huyện cũng sẽ chủ động khai thác các tiềm năng, thế mạnh của huyện để tạo ra được giá trị tại chỗ, kêu gọi người dân đồng lòng tham gia vào sự phát triển kinh tế, tạo ra được sức mạnh tổng hợp.
Huyện tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá đã đề ra trong cả nhiệm kỳ, đó là phát triển kinh tế hạ tầng đồng bộ; đào tạo nguồn nhân lực bằng cách nâng cao chất lượng lao động, đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ nông nghiệp dược liệu; cải thiện môi trường đầu tư, nhất là làm tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số để phục vụ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
* Xin cảm ơn ông!