Chuyển biến tích cực
Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện hơn 10km, nhưng trụ sở UBND xã Cà Dy (Nam Giang) trên diện tích khuôn viên nhỏ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ công năng của bộ phận một cửa khiến mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) khá thấp.
Từ đầu năm 2023, khi chủ trương mở rộng đầu tư, nâng cấp nhà làm việc của Bộ phận một cửa xã Cà Dy được triển khai với 3 phòng làm việc đã giúp công tác CCHC thay đổi về chất lượng, hiệu quả công việc nâng lên rõ nét.
Ông Ka Phu Bíp – Phó Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho biết, hiện nay địa phương thực hiện niêm yết công khai danh mục các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết theo 10 lĩnh vực.
Riêng năm 2023, Cà Dy công khai niêm yết được 7/10 lĩnh vực, bao gồm LĐ-TB&XH với 5 loại TTHC, văn hóa – thông tin 2 TTHC, hộ tịch 8 TTHC, chứng thực 3 TTHC; đất đai – nhà ở 3 TTHC, giáo dục – y tế 4 TTHC và lệ phí 3 TTHC.
Điều này góp phần quan trọng trong công tác CCHC, hướng tới phục vụ mọi người dân một cách công khai, xóa bỏ các quy định gây phiền hà, hướng đến xây dựng hệ thống hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân và tổ chức…
Theo ông Ka Phu Bíp, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc tiếp cận thông tin của người dân còn nhiều hạn chế.
Do vậy, bênh cạnh thường xuyên chỉ đạo cán bộ chuyên trách tại bộ phận một cửa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cần nhiệt tình hướng dẫn, tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức trong công tác CCHC. Đặc biệt là trong lề lối làm việc, văn hóa ứng xử, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Hằng năm, chúng tôi đều cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do huyện, tỉnh tổ chức. Nhờ đó, trình độ đội ngũ cán bộ công chức được nâng lên, chuẩn hóa, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc” – ông Bíp chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, xã Cà Dy triển khai thực hiện 4 tổ công nghệ cộng đồng và 1 tổ tại bộ phận một cửa. Thành viên các tổ được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt, mở tài khoản trên các ứng dụng công nghệ số giúp quá trình thực hiện đăng ký, giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến luôn được đảm bảo theo yêu cầu.
Ông Alăng Arươi – người dân thôn Bến Giằng (xã Cà Dy) cho biết, từ khi có bộ phận một cửa, người dân đến làm hồ sơ, giấy tờ được nhanh gọn và đỡ mất nhiều thời gian hơn so với trước.
Nâng cao hiệu quả công việc
Ông Châu Văn Ngọ – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, thời gian qua, công tác cải cách TTHC luôn được các địa phương đẩy mạnh. Mục tiêu phấn đấu đảm bảo các thủ tục được công bố kịp thời, công khai niêm yết đầy đủ, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức tiếp cận và giám sát một cách minh bạch.
Để nâng cao hiệu quả CCHC trên địa bàn, bên cạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới lề lối làm việc, Nam Giang chuyển đổi mô hình hồ sơ bản giấy sang bản điện tử, đáp ứng theo tiêu chuẩn công nghệ số.
“Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã trang bị đầy đủ máy tính có cấu hình tương đối và cơ bản đủ điều kiện để vận hành các phần mềm quản lý ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, 100% cơ quan hành chính từ huyện đến xã thiết lập mạng nội bộ (LAN) và mạng internet băng thông rộng phục vụ công tác CCHC” – ông Ngọ cho biết thêm.
Qua khảo sát, tại Nam Giang, hầu hết các cơ quan, đơn vị của huyện và UBND các xã, thị trấn đều sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành Q-Office. Đến nay, địa phương cấp 229/229 thiết bị ký số cho cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị phục vụ chỉ đạo, điều hành và số hóa hồ sơ hành chính; 30/50 nhà văn hóa thôn được đầu tư internet cộng đồng.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2023 đến 3/7/2024, Nam Giang ghi nhận có 7.176 hồ sơ được tiếp nhận, số hóa; trong đó cấp huyện 480 hồ sơ, cấp xã 6.696 hồ sơ. Hồ sơ trực tuyến đạt 6.664/7.176 hồ sơ (tỷ lệ 92,86%), hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ 99,37%…
Sau thời gian đầu tư nâng cấp hệ thống bộ phận một cửa tại các địa phương, đơn vị, công tác CCHC ở Nam Giang cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Nhờ đó, giúp địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động chuyên môn, nhất là nâng cao hiệu quả và nhanh gọn công việc hành chính vốn khá chậm.
“Mặc dù có nhiều xã cách xa trung tâm huyện với điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, nhưng sau thời gian đẩy mạnh cải cách TTHC, tỷ lệ thực hiện văn bản điện tử và chữ ký số ngày càng nâng cao.
Qua đó, giúp hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương miền núi” – ông Ngọ nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nam-giang-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-3138185.html