Do tình hình thời tiết năm nay nóng hơn mọi năm, sương muối, mưa đá và nạn chuột cắn phá gây thiệt hại ít nhiều, nhưng phần lớn các vườn sâm ở Măng Lùng, nơi đặt Trạm dược liệu Trà Linh (thuộc quản lý của Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam) cho hạt đều. Sắc hạt đỏ phủ khắp các khu rừng.
Trạm dược liệu Trà Linh là nơi cung cấp giống sâm lớn nhất của tỉnh. Những ngày này, hàng chục công nhân tỏa ra các khu vực trồng sâm để kiểm tra, hái hạt chín. Nhờ được chăm sóc tốt, sâm ở trạm ít bị thiệt hại, nên cho hạt nhiều, dù theo chia sẻ của các công nhân, hạt năm nay chín muộn hơn mọi năm.
Anh Nguyễn Văn Viễn – Trạm phó Trạm dược liệu Trà Linh cho hay, công nhân thường thu hoạch hạt bằng phương pháp thủ công, sau đó kiểm đếm, phân loại từng hạt, chia thành các bọc nhỏ, mỗi bọc từ 800 – 1.000 hạt và đều được đánh dấu chất lượng hạt trong từng bọc.
“Mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 3.000 – 4.000 hạt, thậm chí ngày cao điểm hơn 8.000 hạt. Hạt kiểm đếm xong sẽ được chà sát bằng tay, hoặc trong nước, sau đó bảo quản cẩn thận. Tháng 11 sẽ bắt đầu mang hạt đi gieo các luống” – anh Viễn nói.
Trung bình mỗi năm, Trạm dược liệu Trà Linh thu hoạch từ 150 – 160 nghìn hạt, toàn bộ được bảo quản, gieo ươm trở lại trong các nhà kính vào mùa vụ mới, tỷ lệ hạt nảy mầm khoảng 65%. Sau một năm, cây giống đủ điều kiện sẽ được cung cấp ra thị trường và hỗ trợ người dân theo quy định.
[VIDEO] – Hái hạt sâm ở Trạm dược liệu Trà Linh:
Trong khi đó, vườn sâm của các nhóm hộ, hộ trồng sâm ở Nam Trà My có phần bấp bênh hơn. Nhiều vườn sâm bị gãy đổ do giông lốc, mưa đá, lại thêm nạn chuột hoành hành. Một phần vì ảnh hưởng của thời tiết nên sâm trổ hạt ít, trổ không đều và chín muộn.
Vừa lên thăm vườn sau một đêm trở về nhà, bà Nguyễn Thị Năm (thôn 3, xã Trà Linh) không khỏi phiền lòng, khi những luống sâm Ngọc Linh đang cho hạt, bị chuột cắn đổ ngã, những bông sâm đang trổ vài chục hạt xanh mởn, nằm la liệt trên đất.
“Sơ sơ chắc phải mười mấy cây, chứ không ít, năm ni đã trổ ít, trổ trễ, mà được cây mô là chuột cắn hết như ri đây” – bà Năm xót xa. Mỗi cây sâm bị chuột cắn, bông ít nhất cũng 20 hạt. Vậy là bà Năm mất trắng vài trăm hạt sâm chỉ sau một đêm, thiệt hại cả chục triệu đồng.
[VIDEO] – Cận cảnh vườn sâm bị chuột cắn phá:
Theo ông Trịnh Minh Quý – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My, mùa sâm Ngọc Linh năm nay hầu hết các vườn đều mất mùa, đặc biệt là tại khu vực Tăk Ngo (thôn 2), bởi vùng này tương đối thấp, độ ẩm cũng thấp hơn nhiều so với Măng Lùng.
“Cây sâm Ngọc Linh phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu rất nhiều, nhưng năm nay đầu sâm nảy mầm trúng mùa nắng, không có mưa, nên tỉ lệ nảy mầm rất thấp, khoảng 20%. Một đặc điểm khác là sâm Ngọc Linh tạo mầm hoa ngay khi mới nảy mầm, nên sự phân hoá mầm hoa vì thế cũng kém hơn so với các năm, chỉ khoảng 5 – 7%, dẫn đến tình trạng mất mùa hạt” – ông Quý phân tích.
Giá hạt sâm Ngọc Linh vài năm trở lại đây, không còn cao như các năm trước, bởi nhu cầu thị trường. Nhiều chủ vườn có mối ở Kon Tum, được ổn định cả giá, lẫn đầu ra. Các hộ trồng nhỏ lẻ, tự rao bán trên mạng xã hội, hoặc phải bán cho thương lái với giá thấp. Theo ông Trịnh Minh Quý, việc sâm mất mùa hạt, có khả năng giá sẽ tăng trở lại.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/mua-thu-hoach-hat-sam-ngoc-linh-3138651.html