Người “dẫn đường” của chuyến tham quan lịch sử này, đã mấy mươi năm đeo đuổi, tìm kiếm và chinh phục, làm nên từng bộ sưu tập đặc biệt. Ông Trần Hữu Tài, vì bén duyên mà chọn phố Hội làm nơi đặt cả gia tài của mình.
Cùng “Kiều” đối thoại
Năm 2022, tại chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam, tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập và trao kỷ lục “Người có bộ sưu tập các ấn phẩm và vật phẩm đa dạng liên quan đến tác phẩm Truyện Kiều” số lượng nhiều nhất cho ông Trần Hữu Tài.
Người đàn ông này mang nhiều cảm xúc đặc biệt khi được xướng tên. Không chỉ là gia tài, những ấn phẩm, vật phẩm liên quan đến Truyện Kiều quan trọng như hơi thở trong đời.
Trần Hữu Tài nói, ông mừng vui mỗi khi thu thập được những di cảo đặc biệt liên quan đến trước tác của cụ Tiên Điền. Ở CSO Gallery, ngay không gian đầu tiên, bộ sưu tập hơn 1.000 ấn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và nhiều ngôn ngữ được xuất bản trong nước và một số quốc gia trên thế giới được bày biện. Con số này chưa phải là tất cả ấn phẩm ông Trần Hữu Tài sưu tầm được. Nếu chính xác, bộ sưu tập ấn phẩm Truyện Kiều của ông có tới 1.630 ấn bản.
Trong số này có những bản rất nổi tiếng, từng được những người chơi sách xưa nay coi như “bảo vật”. Cụ Vương Hồng Sển từng nhắc trong tác phẩm “Thú chơi sách” của mình: “Tập tôi muốn xưa nay và tìm mãi chưa ra là tập “Kim Túy tình từ” của cụ Phạm Kim Chi, xuất bản năm 1917 tại Sài Gòn”.
Và kỳ lạ thay, đây cũng là bản mà Trần Hữu Tài có cơ duyên tìm và mang về cho bộ sưu tập của mình. Ngoài ra, gia tài Truyện Kiều của ông Tài còn có các bản “Truyện Kiều” bản Nôm năm 1906 của nhà in Liễu Văn Đường (Hà Nội), “Văn tập Kiều của cô B” năm 1930, “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” năm 1942…
Chưa kể, những ấn phẩm khác liên quan đến Truyện Kiều, bao gồm các bài viết trên những tạp chí, sách báo được xuất bản từ những năm đầu thế kỷ 20 như Nông Cổ Mín Đàm (1916), Nam Phong (1919), Trung Bắc Tân Văn (1924), Nam Kỳ (1942) cũng được người đàn ông Nam bộ này thu thập.
Không gian Truyện Kiều được bày biện tại CSO Gallery còn có 30 bức tranh Kiều của những họa sĩ nổi tiếng. Cả những chiếc bình, dĩa sứ cổ minh họa Truyện Kiều, các bản nhạc hay những ấn phẩm lịch nghệ thuật về Truyện Kiều đều trở thành vật phẩm trong bộ sưu tập của ông.
“Tôi luôn nghĩ rằng mọi việc, mọi cuộc gặp gỡ đến với mình đều là một cái duyên, một sự sắp xếp cố tình của số phận. Ví dụ như trong một lần tìm kiếm những cuốn Truyện Kiều ở một hiệu sách cũ, tôi có trò chuyện với anh bạn chủ tiệm sách. Từ anh, tôi lại có duyên gặp người thầy của anh mà thu thập được nhiều ấn bản cổ về kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du” – ông Trần Hữu Tài nói.
Gìn giữ văn hóa
Bảo vật, nếu chỉ giữ cho riêng mình, thì chỉ mỗi bản thân biết giá trị. Thú chơi đồ cổ, sâu xa hơn, là tấc lòng muốn giữ lấy vốn liếng quý báu mà người xưa đã dày công vun đắp… Chẳng thế nhà cổ ngoạn uy tín bậc nhất Việt Nam – Vương Hồng Sển, từng gởi gắm thông điệp đến những nhà sưu tập cổ vật, rằng hãy sống có đạo đức nghề nghiệp.
Nếu biết quý trọng, gìn giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của các bậc tiền nhân trong từng món cổ vật thì tự thân người sưu tầm đã tĩnh tâm hướng thiện.
Cổ vật mang giá trị văn hóa, là thông điệp của thời đại sinh ra nó. Mỗi món cổ vật có “tiếng nói riêng” của một giai đoạn lịch sử. Và tinh thần trao đi được Trần Hữu Tài lựa chọn khi ông quyết định mang những vật phẩm mình sưu tầm được trong hơn 20 năm cuộc đời, mở phòng trưng bày.
Lựa chọn Hội An, theo ông, vì vùng đất này là nơi tụ hội của rất nhiều nền văn hóa khác nhau, thông qua lượng khách du lịch của hiện tại và hành trình lịch sử trước đây của nó. Một sứ mệnh kết nối văn hóa, lịch sử, tri thức thế giới bằng tình yêu từ những bộ sưu tập được bắt đầu.
Người đại diện của CSO nói, trong thế giới sưu tầm rộng lớn với nhiều chủ đề, CSO Gallery đã chọn cho mình lối đi riêng. Kim chỉ nam là gìn giữ văn hóa của tiền nhân, khám phá lịch sử thế giới. Như cuộc du hành ngược thời gian bằng những câu chuyện lịch sử, những chuyện kể của đời hiện vật, quá khứ hiện ra sống động.
Nếu Không gian Truyện Kiều là những trân trọng dành cho vốn quý của tiền nhân, thì những đồng tiền xu nhuốm màu thời gian qua các triều đại thịnh suy của dân tộc, những tờ tiền giấy từ các quốc gia trên thế giới mở ra một chiều kích khác trong tiếp cận lịch sử.
Ông Trần Hữu Tài kể cho người nghe về câu chuyện đồng xu bạc Maria Theresa Thaler nằm trong bộ sưu tập tiền xu được trưng bày. Theo đó, đồng xu bạc Maria Theresa Thaler được lấy theo tên của nữ vương Maria Theresa (SN 1717 tại Vienna, Áo).
Bà là con gái của Hoàng đế Karl VI – nữ hoàng đầu tiên và duy nhất cai trị đế chế Habsburg hùng mạnh tại châu Âu thế kỷ 18. Đồng tiền này được đúc lần đầu tiên dưới quyền cai trị của bà năm 1741, nhanh chóng trở thành đồng bạc được tín nhiệm nhiều nhất ở Trung Đông và Châu Phi.
Và đó, chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện mà hiện vật trưng bày đang mang theo, để chờ người đến khám phá…
Gần 1 năm mở cửa, CSO trở thành điểm đến đặc biệt trong hành trình khám phá Hội An của du khách. CSO hiện có 6 khu vực trưng bày gồm 77 bộ sưu tập với hơn 20.000 vật phẩm, có niên đại từ 50 năm đến hơn 2.000 năm. Ba nội dung chính của những bộ sưu tập là Quốc bảo Truyện Kiều; tiền xu, tiền giấy và tem của Việt Nam và các nước trên thế giới.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/mot-chuyen-tham-quan-lich-su-3147343.html