“Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ”, tôi nghe như ngân vang giai điệu bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” (Hoàng Hiệp). Để tự mình làm một thước phim ký ức, quay về tuổi thơ nơi thượng nguồn sông mẹ. Ở đó, kỷ niệm nào cũng như ẩn hiện cùng lớp cát mịn trên bến bãi dòng sông.
Mấy bữa nay, gọi điện thoại nói chuyện, cô bạn ở Sài Gòn cứ hỏi thăm ở quê mình đang mùa gì. Tôi kể một lèo những đậu phụng, bắp nếp, dưa hồng, ngọn bí, ngọn đậu…
Bạn bảo, nhớ cái nắng quê mình đổ lửa, gió Lào rát rạt mà sợ. Nhưng bù lại mùa này có nhiều món ngon nhớ đời, nhắc đến đã nghe vị tươm trên đầu lưỡi. Hình như món ngon đó, còn có vị của phù sa. Nó khiến người xa xứ thêm gắn bó, da diết nhớ thương quê nhà.
Từ sau tết, những bãi bồi ven sông xanh mướt các loại đậu, bí, mướp… Ngọn vươn lên mướt xanh. Qua bàn tay mẹ và các bà nội trợ khéo léo cho ra bao món ngon thỏa mãn khứu giác lẫn vị giác. Các món ăn dân dã từ ngọn đậu, ngọn bí, ngọn mướp cũng đa dạng từ luộc đến xào tỏi, trộn, nấu canh…
Các loại ngọn này có đặc điểm nhiều lông và nhám. Mẹ hay dặn, muốn món ăn ngon, ngọn mềm thì khâu sơ chế phải kỹ càng. Sau khi tước vỏ sạch thì vò để bớt lông nhám của ngọn.
Khi luộc cho nước thật nhiều, lúc nước sôi bùng mới cho rau vào để giữ màu xanh và rau không có mùi hôi. Món ngọn đậu, ngọn bí luộc chấm mắm ớt tỏi dân dã với vị ngọt, bùi nguyên vị của nó thì món trộn lại cho hương vị hấp dẫn, kích thích hơn.
Mùa này nhiều nhà ở quê đã thu hoạch đậu phụng và ép mẻ dầu mới. Dầu phụng đầu mùa khử lên, phi hành tỏi thì thơm và béo ngậy.
Ngọn bí, ngọn đậu luộc xong cho vào trộn đều với mắm ớt tỏi, chanh, dầu phụng khử. Thêm ít đậu phụng rang giã giập để tăng độ béo và thơm. Bữa nào sang hơn, có thêm vài con tôm sông hay miếng ba chỉ xắt sợi, mẹ ướp thấm rồi um lên thơm lựng đem trộn. Những món ăn dân dã từ ngọn đậu, ngọn bí, ngọn mướp vừa thơm, vừa bùi vừa là thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe.
Các loại đậu, bí đất nào cũng trồng được nhưng có lẽ ở vùng bãi bồi ven sông thì thân mọng mướt, hương vị ngọt và đậm đà hơn. Mùa nào thức nấy, nhìn món ăn trong mâm cơm gia đình sẽ đọc vị được mùa đang ngang qua.
Những cải, bí, đậu, mướp, dưa hồng, dưa gang, bắp nếp, đậu phụng… cứ theo mùa nối nhau xanh bãi cát triền sông. Cứ hễ mùa nào là mẹ lại đãi cả nhà trọn vẹn hương vị mùa nấy đến nhớ đời.
Và không chỉ có rau màu, lũ bạn quê xứ đầu nguồn còn nhớ con cá mương sông roi rói. Đi chợ gặp cá mương, là như bắt phải món ngon nhứt xứ mình. Cá mương cũng là họ của cá niên cánh Phước Sơn, nhưng sống ở sông. Chỉ mấy con cá mương chiên giòn chấm mắm, mà đàn ông xứ này rề rà hết mấy lít rượu gạo.
Thu Bồn, bao bận giận dữ mang theo lũ lụt cuốn trôi xóm làng. Nhiều người già trong làng vẫn còn nhớ như in, kể chi tiết cơn thịnh nộ năm Thìn 1964. Nội tôi cũng là một trong nhiều người bị lũ dữ cuốn đi, mắc ngọn mít, ngọn tre hơn một ngày đêm. Tròn 50 năm, những chuyện đau thương được người già xứ đầu nguồn gom rằng đó là số trời. Tuyệt nhiên, nó không phải do dòng sông.
Để khi nhắc chuyện dòng sông, họ mang ơn nhiều hơn trách hờn. Sông là chứng nhân bao đời người. Đời sống, tín ngưỡng, phong tục của cư dân đôi bờ đều ít nhiều xuất phát từ lòng kính ngưỡng sông quê.
Hổm rày, miền Trung đón đợt nắng nóng đỉnh điểm. Từ sâu mạch ngầm, dòng sông tưới tắm những bãi dưa, đậu, bắp xanh tốt. Không chỉ bằng sản vật, thức món theo mùa, sông mẹ bao dung còn tắm mát tâm hồn những đứa con của mình bằng sự dịu êm, rộng lòng vị tha.