Trục ngang chiến lược
Nằm ở cửa ngõ phía bắc Quảng Nam, “đô thị mới” Điện Bàn là vùng giao thoa giữa TP.Đà Nẵng, đô thị cổ TP.Hội An và các huyện phía tây của tỉnh.
Thị xã giữ chức năng chia sẻ các hoạt động công nghiệp, dịch vụ và du lịch thông qua hệ thống cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, các khu công nghiệp, làng nghề, liên vùng di sản văn hóa thế giới Huế – Hội An – Mỹ Sơn và hệ thống châu thổ sông Thu Bồn ở phía nam.
Chính vì vậy, TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã xúc tiến đầu tư, đưa vào khai thác các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch, mang tầm kết nối chiến lược qua địa phận Điện Bàn mà điển hình là đường ven biển Việt Nam, quốc lộ (QL) 1, một số tuyến đường vùng đông…
Tuy nhiên, một trục ngang chiến lược xuyên suốt từ vùng Đông lên vùng Tây đi qua thị xã Điện Bàn, kết nối vào QL14B thuộc địa phận xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) chưa thể thành hình.
Theo quy hoạch, đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam có chiều dài khoảng 18,7km; trong đó đoạn đi qua địa phận TP.Đà Nẵng dài 1,2km, địa phận Quảng Nam dài 17,5km.
Ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn đánh giá, sự phát triển bền vững lâu dài, thỏa mãn tất cả nhu cầu tương lai của chùm đô thị không thể tách rời việc hình thành trục vành đai phía bắc như thế.
Cung đường sẽ kết nối giao thông liên hoàn từ đường ven biển ở vùng Đông của Điện Bàn, qua sông Vĩnh Điện, băng QL1, vượt đường cao tốc, qua sông Yên (bằng cầu Quảng Đà đang được Đà Nẵng xây dựng) đến QL14B.
Đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh trục giao thông Đông – Tây thuộc hành lang kinh tế – đô thị, kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang (thông qua QL14D, đường Hồ Chí Minh, QL14B) với TP.Đà Nẵng và khu vực ven biển bắc Quảng Nam (Đại Lộc, Điện Bàn và Hội An là cụm động lực số 1).
“Trục ngang chiến lược vừa nêu còn tạo điều kiện chỉnh trang, tạo quỹ đất để phát triển không gian đô thị bắc Quảng Nam, phân bố dân cư, hình thành các khu đô thị mới, giảm mật độ dân số khu vực trung tâm thị xã.
Cạnh đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương phía tây của tỉnh; đáp ứng nhu cầu vận tải và giảm thiểu lưu lượng phương tiện trên tuyến ĐT609, đường vành đai phía nam TP.Đà Nẵng” – ông Trần Úc cho biết.
Hiện thực hóa đầu tư
Còn nhớ cách đây hơn 3 năm (ngày 12/3/2021), Thường trực HĐND tỉnh cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế và nghe các ngành, địa phương báo cáo về nội dung liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam.
Tại cuộc họp, các bên liên quan đã nêu bật tính cần thiết phải đầu tư, sự phù hợp với quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, quy mô, nội dung và nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả dự án…
Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn – ông Nguyễn Xuân Hà cho biết, Dự án đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 23 ngày 19/4/2021, Nghị quyết số 55 ngày 22/7/2021.
UBND tỉnh phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án tại Quyết định số 1312 ngày 16/5/2022, Quyết định số 1960 ngày 18/9/2023. Trên cơ sở này, UBND thị xã phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại Quyết định số 8990 ngày 28/12/2023, điều chỉnh tại Quyết định số 329 ngày 17/1/2024.
Theo Quyết định số 8990 ngày 28/12/2023 của UBND thị xã Điện Bàn, Dự án đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư xây dựng đoạn từ cầu vượt đường sắt (giáp với Cụm công nghiệp Trảng Nhật) đến cầu Quảng Đà với tổng chiều dài khoảng 4,62km và được chia thành 2 đoạn.
Trong đó, đoạn cầu vượt đường sắt đến tuyến ĐT605 bắt đầu từ nút giao N3, thuộc khu trung tâm hành chính xã Điện Hòa, vượt qua đường sắt Bắc – Nam tại km808+325 (lý trình đường sắt) và sông Bầu Sấu đến nút giao với đường ĐT605 có chiều dài khoảng 1,39km (gồm cả cầu vượt đường sắt và cầu qua sông Bầu Sấu).
Đoạn tuyến ĐT605 đến đầu cầu Quảng Đà bắt đầu từ nút giao với đường ĐT605, đi về phía tây rồi vượt đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tại km8+788 (lý trình đường cao tốc), điểm cuối dự án khớp nối vào điểm cuối của cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên có tổng chiều dài 3,23km.
Là địa phương có dự án đi qua, ông Nguyễn Quốc Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Tiến cho biết, công trình ảnh hưởng hơn 300 hộ dân thuộc các thôn Thái Cẩm, Thái Sơn, Xuân Diệm. Xã đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức họp, thông báo chủ trương, mục đích và tầm quan trọng xây dựng công trình và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đến thời điểm này, các hộ có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Việc triển khai giải phóng mặt bằng đối với đất ở, nhà ở đang được cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện.
Theo ông Nguyễn Quốc Phong, dự án này hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ có tác động rất lớn đến xã Điện Tiến nói riêng, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian đi lại xuống trung tâm thị xã Điện Bàn, hoặc qua huyện Hòa Vang, lên huyện Đại Lộc; khai phá tiềm năng, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng.
Những ngày qua, thông tin về việc khởi công xây dựng Dự án đường vành đai phía bắc của tỉnh Quảng Nam được người dân thôn Thái Cẩm rất quan tâm. Trưởng thôn Thái Cẩm – ông Nguyễn Đình Hưng chia sẻ, nhân dân và cán bộ của thôn đều đồng thuận khi Nhà nước tiến hành thực hiện dự án có ý nghĩa chiến lược này.
Chính vì vậy, trường hợp bị ảnh hưởng đất sản xuất đều đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Đường lớn mở ra, diện mạo quê hương trên mảnh đất Điện Tiến với Chiến thắng Bồ Bồ lịch sử sẽ đổi thay đáng kể, góp phần dựng xây đời sống mới.
Tổng mức đầu tư dự án 498 tỷ đồng
Theo thiết kế, nền đường đoạn từ đầu dự án đến tuyến ĐT605 rộng 9,5m; trong đó mặt đường rộng 7,5m, lề đường mỗi bên rộng 1m (gia cố lề mỗi bên rộng 0,5m). Nền đường đoạn từ tuyến ĐT605 đến cầu Quảng Đà rộng 27m; trong đó mặt đường mỗi bên rộng 7,5m, dải phân cách giữa rộng 2m, lề rộng mỗi bên 5m.
Cầu vượt đường sắt dài 214,91m và bề rộng 10,5m. Cầu Bầu Sấu dài 173,18m và rộng 10,5m. Cầu vượt đường cao tốc dài 161,10m; bề rộng 22m (phần xe chạy mỗi bên rộng 7,5m, dải phân cách giữa rộng 2m, lan can và lề bộ hành mỗi bên rộng 2,5m). Công trình do liên danh nhà thầu Công ty CP Đại Thiên Trường và Công ty CP 873 – Xây dựng công trình giao thông đảm nhận thi công.
Ông Nguyễn Xuân Hà cho biết, Dự án đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam được UBND tỉnh giao cho UBND thị xã làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn.
Mục tiêu đầu tư là hoàn thiện hệ thống đường giao thông liên kết giữa vùng Đông, vùng Tây khu vực phía bắc tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng; tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Dự án có tổng mức đầu tư 498 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 398 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 100 tỷ đồng.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/khoi-cong-duong-vanh-dai-phia-bac-tinh-quang-nam-mo-truc-ngang-chien-luoc-3139974.html