Đối với Quảng Nam, ga Tam Kỳ đặt tại phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ, gần tuyến tránh TP.Tam Kỳ. Ngoài ra, Quảng Nam còn có ga Chu Lai là ga hàng hóa tại khu vực giáp ranh xã Tam Hiệp và xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành; phục vụ kết nối với cảng hàng không Chu Lai, các cảng biển Kỳ Hà, Dung Quất.
Một điểm đáng chú ý khác, vị trí ga hành khách tuyến đường sắt tốc độ cao còn bố trí tại những điểm mới như ga Đà Nẵng, Quảng Ngãi và xa hơn một chút là Thừa Thiên Huế.
Cụ thể, ga Đà Nẵng đặt tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, khu vực phía bắc nút giao giữa đường Bà Nà – Suối Mơ với đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Ga Quảng Ngãi đặt tại phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi và xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, nằm ở khu vực phía tây thành phố. Ga Huế đặt tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vị trí ga được bố trí đối với các tỉnh liền kề cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho người dân trong việc đi lại học tập, khám chữa bệnh ở trung tâm lớn mang tính liên vùng, đồng thời mở ra cơ hội góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội mỗi địa phương.
Về tiến độ triển khai, Bộ GTVT dự kiến sau khi được các cơ quan có thẩm quyền thông qua, sẽ đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025 – 2026.
Tôi còn nhớ những ngày mới tái lập tỉnh, đường sá ở TP.Tam Kỳ vắng vẻ, xe cộ thưa thớt. Mỗi khi có đoàn tàu chạy ngang qua, tiếng còi hụ còn vang đến tận ngõ nhỏ trong phố. Có quãng thời gian tha hương, tôi cũng nhiều lần chọn tàu lửa cho hành trình xa xứ.
Sau tết, người vào nam cứ nhộn nhịp từng chuyến tàu. Thế nhưng đâu đó vẫn cảm giác buồn tênh khi băng qua đường Nguyễn Hoàng lên ga cho một chuyến đi.
Mấy chục năm trôi qua, phố sôi động người xe, tiếng còi tàu không còn thênh thang vẳng đêm phố thị. Chỉ ga nhỏ vẫn nguyên hình trạng, những đường ray mòn vẹt vết thời gian.
Trên các phương tiện truyền thông, đang có rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc phát triển hệ thống đường sắt, ga tàu cao tốc sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị.
Về vấn đề này, chúng tôi đọc thấy ý kiến rất hay của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Không nên đặt vấn đề đô thị hóa đến đâu thì dời đường sắt đến đó. Thay vào đó, quy hoạch đô thị cần linh hoạt để đường sắt tồn tại hài hòa, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Các giải pháp như tổ chức giao thông khác cốt (xây dựng đường hầm, cầu vượt) có thể được xem xét để giảm thiểu ách tắc giao thông.
Khi thông tin công bố vị trí 26 ga đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào đầu tháng 10 này, nhiều người mơ sáng uống cà phê Sài Gòn, trưa có thể túc tắc làm tô mỳ Quảng. Phố nhỏ, ga nhỏ chờ một cuộc thay áo mới..
Nguồn: https://baoquangnam.vn/mo-theo-nhung-san-ga-3142962.html