Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1h ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở 17 độ vĩ Bắc; 122 độ kinh Đông, trên đất liền phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15 km/h.
Đến 1h ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 25 km/h và mạnh lên thành bão (bão số 4) trên khu vực Bắc Biển Đông, cách Hoàng Sa khoảng 420km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 1h ngày 19/9, bão di chuyển hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15-20 km/h, trên khu vực Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9, giật cấp 10; độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão số 4, ngày 17/9, UBND tỉnh Quảng Nam có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt phương án cụ thể để ứng phó với các tình huống thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn.
Tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu lãnh đạo các huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt, bão và ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng đô thị trên địa bàn; kịp thời cập nhật tình hình thời tiết để có chỉ đạo phù hợp.
Chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư, nhà dân, trụ sở trên địa bàn nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét; phải có phương án sớm, cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Đồng thời, xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó sạt lở đất, lũ quét để triển khai thực hiện khi có mưa, lũ xảy ra.
Khẩn trương rà soát, kiểm tra việc nạo vét hệ thống thoát nước, khơi thông miệng hố ga, kênh mương, cống, rãnh, trục tiêu có nguy cơ bị tắc nghẽn; hố ga các tuyến công trình đang thi công có nguy cơ gây ngập úng khu dân cư và không để khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi bị ngập úng cục bộ hoặc diện rộng kéo dài; túc trực 24/24h để xử lý ngập úng, ách tắc hệ thống thoát nước cục bộ mùa mưa bão…
Tại Bình Định, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Theo ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), hệ thống phần mềm Quản lý thiên tai của tỉnh đã cập nhật thông tin của hơn 403.460 hộ dân với hơn 1,4 triệu người. Đặc biệt, hơn 281 nghìn người trong số này thuộc nhóm dễ bị tổn thương, cần được hỗ trợ khi thiên tai xảy ra.
Một trong những nhiệm vụ cấp thiết là xác định những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sạt lở đất. Các vùng núi và ven sông ở Bình Định luôn là những điểm nóng cần chú ý, khi các đợt mưa lũ có thể gây sạt lở đất đá nghiêm trọng.
Những địa phương như Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, hay một số khu vực cao ở TP Quy Nhơn và huyện Phù Cát được xem là “nhạy cảm” và phải được giám sát đặc biệt. Để đối phó, các phương án di dời dân cư đã được thiết lập rõ ràng, từ sơ tán khẩn cấp đến chuyển dân về nơi an toàn ngay khi có cảnh báo gió bão, lũ lụt.
Sở NN&PTNT cũng yêu cầu đơn vị quản lý các khu neo đậu tàu cá phải trực 24/24h để theo dõi thời tiết và tình hình tàu thuyền trên biển. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phối hợp với lực lượng biên phòng và các đơn vị liên quan để thông báo kịp thời, đảm bảo an toàn cho ngư dân.