Trên con đường về với biển, từ đỉnh hòn Rơm nơi cao nhất của dãy núi Răng Cưa, con sông Trầu đã len lỏi băng qua bao ghềnh đá cheo leo, hiểm trở vượt qua Tú Mỹ đến Đồng Cố cong mình đổ dốc tạo nên thác Giang Thơm tuyệt mỹ rồi tiếp tục lượn chuyển quanh co, khúc khuỷu mang dòng nước mát lành từ núi cao về tận thôn, xóm. Tạo nên các bãi bồi ven sông nặng thắm phù sa và tưới mát cho các cánh đồng của Thạnh Mỹ, Trung Lương, Trung Chánh, Trung Thành ( Tam Mỹ Tây).
Vượt qua xóm Đông An ( Trung Thành) xuôi về Phú Quý ( Tam Mỹ Đông), Xóm Dện (Tịch Tây, Tam Nghĩa)… cuối cùng hợp lưu với dòng sông Đình ( Tịch Tây) tạo nên dòng sông Bến Ván lững lờ về cửa biển Kỳ Hà ra đại dương mênh mông.
Con sông Trầu không lớn không dài, khoảng chừng mười lăm cây số nhưng mỗi khúc nó đi qua là một một sự kỳ diệu của thiên nhiên ban tặng cho con người. Những cư dân từng sinh sống hai bên dòng sông Trầu, trong ký ức của họ luôn ăm ắp kỷ niệm êm đềm. Sự hiện hữu của dòng sông Trầu là minh chứng sinh động cho nhiều sự đổi thay của quê hương.
Ngày xưa dòng sông Trầu nước lượng nước dồi dào, trong xanh, mát lạnh, hai bên dòng sông là những lũy tre, đồng ruộng, bãi sắn, nương khoai với một màu xanh thẳm luôn thắm tươi, dưới sông là cá quẫy, cá vùng tất cả thể hiện cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hầu hết, những làng hai bên dòng sông đều làm nghề trồng lúa duy chỉ có một xóm nhỏ vài mươi nóc nhà ở thôn Phú Quý chuyên nghề đánh bắt cá trên sông người ta gọi là xóm Lưới (thuộc xã Tam Mỹ Đông). Xóm Lưới bây giờ chỉ còn độ vài ba nhà sống bằng nghề thả lưới trên sông Trầu.
Dòng sông Trầu ngày xưa là tuyến đường thủy quan trọng nối liền, thông thương giữa ngư dân Kỳ Hòa (Tam Hải), Kỳ Hà (Tam Quang), Kỳ Xuân (Tam Giang) với người dân Kỳ Sanh ( bây giờ Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây).
Ngày ấy dọc theo con sông Trầu có những bến đò như Bến Thế (cầu Nguyễn Phùng bây giờ), bến chợ Mới ( Tam Mỹ Đông), bến Bà Nan, Bà Tiên (chợ Cà Đó – thôn Trung Thành, Tam Mỹ Tây)… mỗi sáng những chiếc ghe máy từ biển mang tôm cá về núi và từ núi chở các hàng nông sản về biển.
Thỉnh thoảng có những bè tre, bè gỗ từ nguồn xuôi về cửa biển để phục vụ cho việc đóng tàu, đan ghe, thuyền, thúng, làm nhà… Dòng sông thuở ấy rất tấp nập, rộn rã với những âm thanh vui, hạnh phúc.
Những làng mạc có con sông Trầu đi qua đều trù phú, yên bình như xóm Gò Thụ, Xóm Bầu (Trung Lương), Đồng Mau, Ruộng Vườn (Thạnh Mỹ), Bàu Đưng ( Trung Chánh), Đông An (Trung Thành)… và tạo nên những nông sản thơm ngon, đặc sắc cho từng vùng. Trong đó, “đầu bảng” phải nói đến nếp Bầu của xóm Bàu Đưng và Đông An.
Xóm Đông An một thời nổi tiếng đẹp, giàu là vùng “ gạo trắng nước trong” là quê hương của hai nhà văn Nguyễn Tam Mỹ và Nguyễn Kim Huy. Nơi xóm nhỏ này đã hun đúc nguồn cảm hứng cho nhà văn Nguyễn Kim Huy ra đời tập truyện ngắn “Triền sông thơ ấu”, Nguyễn Tam Mỹ mang hình ảnh những ngày sống ở xóm Đông An vào truyện ngắn “Tuổi thơ trong chiến tranh”.
Từ xóm Đông An (Tam Mỹ Tây) xuôi về Bến Ván, con sông Trầu kịp dừng lại ở bến Thế dưới chân cầu Bà Giày, nay là cầu Nguyễn Phùng (Tam Mỹ Đông) là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn Mai Bá Ấn – nơi bến sông quê nầy nhà văn đã có hai truyện ngắn chào đời, đó là “Bến thất tình” và “Hoa mai chùa cổ”.
Bình dị, hiền hòa, chân quê thế thôi, nhưng các bến nước, bến đò cùng với dòng sông Trầu, mãi cứ tắm mát trong tâm thức mỗi con người nơi đây với hình ảnh của một thời để thương, để nhớ những chuyến đò dọc, đò ngang… Mỗi đời người như một dòng sông chảy đi, chảy đi, rồi cũng có lúc trở về bến cũ với những kỷ niệm; hay ít nhất cũng giữ lại trong lòng bao ký ức không phai.
Sông nước là dòng chảy bất tận của thời gian, là nguồn cội thiêng liêng, là niềm tin trong cuộc sống, là đạo đức và cách hành xử…
Những lần xuôi ngược sông Trầu, tôi lại nghĩ đến một tour du lịch sông nước, sinh thái, làng quê ấn tượng. Những mai sớm hay chiều tà về xóm Đông An hay đứng bên xóm Lưới nghe cá quẫy sông Trầu, ngắm cảnh người người đứng hai bên dòng câu cá trong lòng mang một cảm giác bình yên và yêu thêm xứ sở làng quê, con nước.
Dòng sông Trầu – một dòng giang hà ôm ấp những vùng đất đi qua và đã sinh ra những tình yêu đôi lứa, cuộc sống sinh sôi, nẩy nở. Một dòng suối văn hóa truyền thống đậm đà màu sắc làng quê Việt Nam luôn giữ được hình bóng đẹp đẽ trong tâm thức của những ai từng yêu quý nước non này.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/mien-man-mot-khuc-song-trau-3143752.html