Đoạn tuyến Km14 – Km19+456 (từ cầu Ông Tú, phường Điện Dương ra đến khu vực giáp ranh TP.Đà Nẵng) được xem là “điểm nghẽn trong điểm nghẽn” của tiến trình nạo vét dòng sông Cổ Cò.
Việc nạo vét đoạn tuyến này trước đây nằm trong gói thầu HA/W3-2 thuộc Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An, tuy nhiên đã dừng kỹ thuật khi chưa triển khai được gì vì hết thời hạn vay vốn ODA. Nhưng nếu không nạo vét đoạn tuyến này, hành trình thông dòng Cổ Cò sẽ mãi dang dở.
Tỉnh Quảng Nam đã xác định sẽ phải thực hiện một dự án mới để tái khởi động việc nạo vét đoạn tuyến này bằng vốn đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030. Đáng chú ý, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, vướng mắc trong thời gian dài khi các trường hợp liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo thống kê của UBND thị xã Điện Bàn, trên đoạn tuyến này còn khoảng 30,3ha chưa bồi thường giải phóng mặt bằng với 507 hộ bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn cho biết: “Vẫn còn rất nhiều thửa đất nông nghiệp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra tranh chấp khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm, xác minh nguồn gốc. Trên một thửa đất không “bìa đỏ” nhưng có đến vài hộ nhận là của mình nên cần thành lập đoàn xử lý về tranh chấp đất đai bị ảnh hưởng bởi dự án này”.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, một điểm thuận lợi khi khởi động lại dự án nạo vét đoạn tuyến này là quy hoạch không chồng lấn hiện trạng với bất kỳ dự án nào hai bên bờ sông Cổ Cò.
Đây là dự án rất quan trọng, sẽ giải quyết rất nhiều việc trong vấn đề liên kết vùng. Do đó UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nghiên cứu bố trí trước một phần vốn của dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho các phần việc tiếp theo.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng, với các diện tích đất địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường, nếu người dân vẫn đồng thuận theo phương án cũ thì Điện Bàn tiếp tục tiến hành chi trả. Trường hợp người dân không đồng ý thì đề nghị lập dự án mới trên nền số liệu đó và áp giá theo quy định mới.
“Về các phần đất đang vướng tranh chấp, Điện Bàn cần khẩn trương chỉ đạo UBND cấp phường tổ chức hòa giải, xác minh cho được nguồn gốc đất, nếu không thì trực tiếp thị xã phải xử lý rốt ráo.
Các phần diện tích đất nông nghiệp nằm ở khoảng hở giữa dự án nạo vét sông Cổ Cò và dự án của các doanh nghiệp tới đây sẽ tiến hành bồi thường trong dự án nạo vét sông Cổ Cò giai đoạn 2” – ông Trần Nam Hưng nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nao-vet-song-co-co-giai-doan-2-mau-chot-la-xac-minh-nguon-goc-dat-3143447.html