Vận động đảm bảo kinh phí xã hội hóa và nhân công hỗ trợ miền núi
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: để hoàn thành mục tiêu từ năm 2023-2025, toàn tỉnh phải phấn đấu xóa xong 11.761 nhà tạm, nhà dột nát (xây dựng mới 8.053 nhà; sửa chữa 3.708 nhà) cho người có công, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh thì nguồn kinh phí cần vận động trên 136 tỷ đồng.
Công tác vận động nguồn lực xã hội hoá được Mặt trận các cấp triển khai ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết đại hội Mặt trận.Theo đó,việc kiện toàn Ban vận động; sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Ban Vận động; tổ chức thông tin, tuyên truyền các văn bản triển khai của tỉnh, Thư kêu gọi và kế hoạch vận động đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và mọi tầng lớp nhân dân nhằm kêu gọi sự chung tay đóng góp kinh phí, hiện vật, hỗ trợ nhiều hình thức khác góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vào năm 2025.
Hưởng ứng Thư kêu gọi của Bí thư Tỉnh uỷ, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tích cực triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025”. Công tác vận động nguồn lực được Mặt trận cấp huyện thực hiện linh hoạt bằng nhiều hình thức (tổ chức lễ phát động, thông qua Hội đồng hương để vận động con em xa quê ủng hộ, thành lập đoàn công tác đi vận động kinh phí tại các tỉnh…) Đến nay, kết quả vận động quỹ xóa nhà tạm tại cấp huyện được trên 16,7 tỷ đồng. Một số đơn vị vận động vận động khá cao. Huyện Nam Giang (trên 2,3 tỷ đồng), thị xã Điện Bàn (gần 1,8 tỷ), huyện Đại Lộc (trên 1,2 tỷ đồng), huyện Phước Sơn (trên 1 tỷ đồng)….
Mặt trận cấp xã cũng linh hoạt các hình thức vận động trong Nhân dân thông qua việc vận động các tiểu thương, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp các đối tượng xây dựng nhà tại địa phương.Tiêu biểu như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Huỳnh, thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My đã ủng hộ 120 triệu đồng; bà Huỳnh Thị Tuyên, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn ủng hộ 180 triệu đồng; công ty TNHH vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh (Duy Xuyên) hỗ trợ gạch xây nhà….
Đối với Mặt trận tỉnh, tinh thần khẩn trương, tăng tốc, chủ động kết nối, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, các tỉnh bạn, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để vận động nguồn lực là việc làm thường xuyên. Cạnh đó, việc theo dõi, cập nhật, rà soát, lập danh sách và đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ được quan tâm thực hiện.
Đến nay, tổng số tiền vận động đã vào tài khoản và đăng ký trao bảng ủng hộ lên đến trên 144 tỷ đồng. Hội đồng hương Quảng Nam tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh là những đơn vị ủng hộ quỹ cao. Cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tích cực ủng hộ như Tập đoàn KN Holdings (45 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (15 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại CP Quân đội và Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (mỗi đơn vị 10 tỷ đồng); Công ty Xăng dầu Quảng Nam (5 tỷ đồng…)
Không chỉ vận động hỗ trợ về kinh phí, Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể vận động Nhân dân hỗ trợ ngày công trong việc tháo dỡ nhà cũ, đào móng, vận chuyển nguyên vật liệu, lắp đặt điện, hệ thống nước… kể cả đóng góp kinh phí để hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 5.644/11.761 nhà (47,9%).
Có thể nói, kết quả vận động là sự cộng hưởng từ tinh thần trách nhiệm của cơ quan vận động, sự tham gia ủng hộ nhiệt thành của quý cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tuyên truyền vận động cán bộ công chức, người lao động chia sẻ thông điệp “triệu tấm lòng yêu thương-nghìn mái nhà hạnh phúc”.
Giám sát kịp thời, đề xuất xử lý vướng mắc tại cơ sở
Bên cạnh việc vận động đảm bảo cơ bản nguồn lực để hỗ trợ làm nhà ở, từ đầu năm 2025, Mặt trận tỉnh tập trung đổi mới phương thức phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã trong việc tổng hợp, theo dõi, nắm chắc tình hình phân bổ và kết quả sử dụng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Điểm đột phá của Mặt trận trong thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm là công tác phối hợp giám sát, kịp thời kiến nghị xử lý các vướng mắc phát sinh. Theo đó, mặt trận tỉnh đã thành lập các đoàn giám sát trực tiếp tại huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh và Duy Xuyên. Đồng thời khảo sát thực tế tại các hộ dân đã và đang làm nhà, làm việc trực tiếp với ban chỉ đạo các xã có đối tượng chọn khảo sát. Qua đó, phát hiện những khó khăn, bất cập trong công tác phối hợp, rà soát, thẩm định đối tượng; kết quả giải ngân, triển khai thực hiện ở địa phương còn chậm, nguồn kinh phí còn tồn đọng nhiều ở cấp huyện. Việc triển khai xây dựng nhà ở khu vực miền núi gặp khó khăn do điều kiện địa hình, thời tiết, chi phí nhân công, vật liệu cao, hộ dân chưa có đủ điều kiện để đối ứng kinh phí; ngoài ra, phong tục như xem tuổi, chọn ngày làm nhà… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Một số hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Sau giám sát, Mặt trận tỉnh đề xuất ban chỉ đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ nhân công các huyện miền núi cao; chỉ đạo cấp uỷ cấp huyện, cấp xã quyết liệt, tập trung hơn cho công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát đối với các hộ trên địa bàn đã được phê duyệt danh sách, không để bị động sau khi không còn tổ chức cấp huyện. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định về cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để các huyện nghèo triển khai thực hiện kịp thời, tạo thuận lợi để các đối tượng cân đối thêm nguồn vốn thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở được đảm bảo.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/mat-tran-cac-cap-no-luc-chung-tay-xoa-nha-tam-3151670.html