Mấy ngày qua, mực nước sông Hoài dâng cao làm ngập một số tuyến đường gần bờ sông trong Khu phố cổ Hội An. Tuy gây ra một số bất tiện trong sinh hoạt của người dân cũng như tác động xấu đến mạng lưới di tích khu vực này, nhưng lụt cũng đem lại những cảnh tượng mới lạ mà không nhiều du khách có thể trải nghiệm khi đến Hội An.
Thông thường, khi mực nước trên sông Thu Bồn tại Hội An dao động ở mức báo động 2 thì nước đã bắt đầu tràn lên một số tuyến phố như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi… Trong đó, tuyến đường Bạch Đằng men theo sông Hoài ngập sâu nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, do đặc trưng về địa hình, lũ lụt tại phố cổ Hội An có khác biệt với nhiều nơi khi nước không chảy xiết, chủ yếu do nước thoát không kịp ra cửa biển.
Vì vậy, Hội An vẫn có thể thuận lợi cho việc khai thác các hoạt động du lịch dù trong mùa lụt. Một phần nào đó lụt cũng tạo nên thương hiệu cho Hội An, tất nhiên là phải đi kèm các điều kiện bảo đảm an toàn cho du khách.
Tại Hội An hiện nay duy trì khoảng 300 ghe bơi phục vụ khách tham quan trên sông Hoài nên đây cũng là điều kiện thuận lợi để cung cấp dịch vụ trải nghiệm Hội An mùa nước lũ.
Dù việc đưa khách tham quan phố cổ khi nước lụt lên đã diễn ra hàng chục năm qua tại Hội An nhưng để tạo thành một tour tuyến đặc sắc, tăng chiều sâu cho sản phẩm thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo ông Võ Phùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nước lụt ở Hội An thường dâng đến một mức nhất định sau đó rút rất chậm, cầm chừng nên là khoảnh khắc hiếm có trong năm để tổ chức cho khách đi ghe chầm chậm băng qua những mái nhà cổ sắp mấp mé nước, tận sát các mắt cửa, biển hiệu… là nét văn hóa đặc sắc của đô thị này.
Ngoài ra, khi nước rút dần có thể tổ chức tour du lịch trải nghiệm cho khách cùng người dân dọn dẹp rác, bùn non, chùi rửa đồ đạc trong di tích…
Tại một hội thảo về quy hoạch đô thị Quảng Nam, TS. Nguyễn Thu Hạnh – Chủ tịch Liên hiệp khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) cho rằng, nước lụt dâng cao mang đến cơ hội cho du khách được ngắm cảnh quan tổng thể của các mái nhà cổ Hội An, được đi thuyền tham quan các ngõ ngách quanh co của Hội An hay dừng chân ở các quán cà phê trên tầng 2 của các ngôi nhà cổ để thưởng thức các loại hình nghệ thuật từ mưa…
Đây sẽ là một tuyến du lịch đặc thù và sẽ thu hút được một lượng du khách đáng kể từ sản phẩm du lịch mới này nếu những người làm du lịch và quản lý du lịch tại Hội An dám nghĩ, dám làm.
TS. Nguyễn Thu Hạnh nhận định, cần sử dụng công nghệ GIS để quản lý mức độ ngập lụt và quy hoạch thiết kế các tuyến, điểm du lịch tham quan phù hợp với việc thưởng thức cảnh quan phố cổ Hội An trong những ngày mưa, lụt.
Ngoài ra, cần thiết kế thêm các điểm dừng trú ngày mưa, lụt trên các tuyến đường với phong cách kiến trúc hấp dẫn, phù hợp với cảnh quan của thành phố di sản.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/loi-mo-cho-du-lich-hoi-an-mua-lut-3144886.html