Thuận lợi cho tiếp cận tín dụng
Công điện số 18 ngày 5/3 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại gửi đường dẫn (link) của chuyên mục công bố các loại lãi suất về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/4.
Ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã giảm nhưng chưa tương xứng với lãi suất huy động. Trong khi đó, tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 âm so với cuối năm 2023 là trở ngại rất lớn về tăng trưởng, cần kích cầu tín dụng.
Ông Trọng phân tích, nguyên nhân của tăng trưởng âm tín dụng là do các doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào giai đoạn cuối năm, trước tết, ra tết ít có đơn hàng nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn lớn để để sản xuất, kinh doanh.
Ngoài tính thời vụ, nhu cầu vay giảm vào đầu năm còn do kinh tế khó khăn. Đáng nói nhất là người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao.
Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân là một trong những giải pháp giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn ngân hàng để vay, kích thích tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là cách tạo cạnh tranh công khai, lành mạnh cho các tổ chức tín dụng.
Tại hội nghị ngành ngân hàng vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định công khai lãi suất cho vay bình quân là “kỷ cương điều hành”, các ngân hàng đều phải thực hiện. Lãi suất công bố là mức bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, doanh nghiệp, loại hình.
Theo ông Phạm Trọng, công bố lãi suất cho vay bình quân là cấp thiết để tăng trưởng tín dụng trở lại. Đi đôi với đó, các tổ chức tín dụng cần rút gọn thẩm định, phê duyệt, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục vay vốn cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Các ngân hàng thương mại cần quyết đoán hơn, tránh sợ sệt, thận trọng quá mức khi đưa ra quyết định cho vay.
“Nợ xấu chắc chắn tác động xấu đến chất lượng tín dụng. Nhưng các tổ chức tín dụng có thể đánh giá tốt hiệu quả các phương án sản xuất, kinh doanh để cho vay. Quan trọng nhất là đẩy vốn ra nền kinh tế, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nhà sản xuất” – ông Trọng nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, từ ngày 1/4 sẽ căn cứ vào công bố mức cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại qua website của Ngân hàng Nhà nước để đối chiếu, kiểm tra, kiểm soát hoạt động cho vay trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng mập mờ tín dụng.
Cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng
BIDV vừa công bố thông tin trên trang website của ngân hàng về lãi suất cho vay bình quân tháng 3 là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
TPBank cũng công bố lãi suất cho vay bình quân là 7,76%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85%/năm, nhóm khách hàng doanh nghiệp là 7,34%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân thực tế tại TPBank ở mức 3,75%/năm.
Băn khoăn vào thời điểm này là các tổ chức tín dụng sẽ tính mức lãi suất cho vay bình quân theo cách nào? Tính lãi suất cho vay bình quân trên dư nợ phát sinh mới trong một giai đoạn, thực tế thời gian qua đã có một số ngân hàng lớn công bố, Ngân hàng Nhà nước dựa vào đó để nhận diện, đánh giá, dự lường biến động lãi suất.
Nếu tính theo tổng dư nợ hiện có, mức lãi suất cho vay bình quân này sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhất là các khoản nợ cũ có lãi suất cao trước đây và lãi suất của các khoản nợ xấu đang tính theo lãi suất quá hạn, rất cao.
Các ngân hàng thương mại không muốn công bố mức lãi suất cho vay bình quân được tính toán ra kết quả cao hơn quá nhiều so với mặt bằng chung bởi sẽ ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh. Sẽ rất hiếm có khách hàng lựa chọn vay vốn ở ngân hàng công bố mức lãi suất cho vay bình quân cao.
Tại sao các tổ chức tín dụng chưa mặn mà công bố lãi suất cho vay bình quân? Các tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ, chi phí vốn đầu vào cao, vốn tự có thấp, khả năng tiếp cận các nguồn vốn tài trợ bị hạn chế chắc chắn khi công bố mức lãi suất cho vay bình quân sẽ rất cao.
Từ đó, rất khó cạnh tranh với nhóm các ngân hàng thương mại có mạng lưới rộng, thương hiệu tốt, có khả năng tiếp cận các nguồn vốn tài trợ thương mại quốc tế giá rẻ….
Một khi công bố lãi suất cho vay bình quân, Ngân hàng Nhà nước, người dân, doanh nghiệp sẽ đối chiếu được lãi suất đó với lãi suất tiền gửi, từ đó dẫn đến những phản ứng khó dự lường từ phía khách hàng…