Đối với chặng nước rút, mệnh lệnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh phát đi: Tuyệt đối không được “quyền anh, quyền tôi”, xắn tay vào việc!
Vẫn chậm
Thông tin từ Sở KH-ĐT, tổng vốn đầu tư công năm 2024 hơn 8.884 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 hơn 7.056 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 2.194 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương); kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 hơn 1.827 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các ngành, địa phương hơn 6.614 tỷ đồng, đạt 94%. Kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết hơn 442 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 16 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia; ngân sách tỉnh hơn 426 tỷ đồng).
Đây là số tiền khá lớn nhưng tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 20/9 (theo thống kê của Kho bạc Nhà nước tỉnh) mới chỉ xấp xỉ 39% so với tổng vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh, ở mức hơn 3.492 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân hơn 2.639 tỷ đồng, đạt 37,4%; kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân hơn 853 tỷ đồng, đạt 46,7%.
“Ngày 30/9 tới, UBND tỉnh sẽ mời các chủ đầu tư chậm giải ngân và lãnh đạo 7 huyện bao gồm: Hiệp Đức, Phú Ninh, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn, Hội An, giao trách nhiệm và yêu cầu cam kết, nếu không làm được phải chuyển nguồn về cho tỉnh. Các sở, ngành, địa phương phải phối hợp thật tốt, tránh tình trạng quyền anh, quyền tôi trong thực hiện nhiệm vụ. Sở ngành, đơn vị nào có trách nhiệm thì phải xắn tay vào việc, không đứng ngoài cuộc; phải biến việc không thể thành có thể, ngưng kêu khó, kêu không làm được”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhận định, đã có những tín hiệu tích cực về giải ngân, tuy nhiên con số hiện tại vẫn chưa tốt, việc còn lại rất nhiều.
“Tốc độ phát triển của tỉnh sẽ có nguy cơ chậm lại nếu không kịp thời triển khai, hoàn thành các dự án đầu tư. Trong số nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan là do các đơn vị chưa tập trung quyết liệt từ đầu năm. Các cấp ngành cũng chưa vào cuộc, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Cùng một nội dung, một chương trình dự án, tại sao địa phương này làm được mà địa phương khác chưa làm được, đơn vị này làm được đơn vị kia lại vướng mắc. Nguyên nhân quan trọng là ở lãnh đạo điều hành chưa quyết liệt” – Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn.
Qua các đợt kiểm tra, rà soát của 5 tổ công tác của tỉnh, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài vẫn là lý do chính của việc chậm tiến độ. Xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng còn thiếu.
Tình trạng thiếu đất đắp nền và cát xây dựng dẫn đến một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng. Đặc thù Quảng Nam có đến 9/18 huyện miền núi, điều kiện thời tiết phức tạp ảnh hưởng quá trình thi công…
Đáng chú ý, nguồn thu sử dụng đất toàn tỉnh ước thực hiện đến hết tháng 8/2024 mới chỉ thu được khoảng 701 tỷ đồng, chỉ đạt 26%). Đến nay, còn khoảng 1.999 tỷ đồng vẫn chưa có để phân bổ và giải ngân theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Đặt ra hạn chót
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng – Tổ trưởng Tổ công tác số 3 cho hay, đã đi thực địa từng địa phương, từng dự án, chỉ đạo giải quyết vướng mắc đến từng trường hợp hộ dân cụ thể.
“Những gì thuộc thẩm quyền tỉnh, tổ công tác đã có kết luận chỉ đạo để các ngành và địa phương triển khai nhanh. Bây giờ, giải pháp là phải tập trung giải ngân vốn đã bố trí. Cả hệ thống chính trị của huyện phải tập trung vào cuộc, xử lý 2 việc chính: công tác bồi thường và giải quyết khó khăn về nguyên liệu.
Phải đặt ra hạn chót cụ thể để tập trung làm. Địa phương nào tỷ lệ giải ngân dưới 60%, đề xuất Thường trực Huyện ủy địa phương đó phải giao ban 2 tuần/lần, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng nguồn vốn” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng nói.
Vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cũng có nhiều vấn đề đáng lo về tỷ lệ giải ngân. Qua khảo sát và kiểm tra thực tế, các tổ công tác đánh giá, chưa có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đảng đến chính quyền trong giải ngân nguồn vốn này.
Các văn phòng điều phối tỉnh chưa làm tròn trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG. Nhiều địa phương chưa thành lập các tổ thẩm định, dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định cho Phòng Kinh tế – Hạ tầng.
Nhiều văn bản của các cơ quan trung ương ban hành để triển khai thực hiện chương trình vẫn còn chậm và chưa đồng bộ, một số nội dung còn chồng chéo. Luật Đấu thầu quy định nguồn vốn sự nghiệp hơn 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các chương trình…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho hay, vốn sự nghiệp trong các chương trình mục tiêu có tổng nguồn đầu tư rất lớn, nhưng vô cùng khó và chia thành nhiều nhóm nhỏ.
“Từng nhóm nhỏ trong nguồn vốn này, mua vài con heo, con bò. Một số sở ngành chưa vào cuộc, trong khi một số sở ngành đã làm hết. Cùng một chương trình, có huyện làm rất tốt, nhưng có huyện làm vô cùng ì ạch.
Nam Giang đang là địa phương làm rất bài bản. Tinh thần là phải dịch chuyển và tự tháo gỡ nhiều vấn đề. Nguồn vốn sự nghiệp thuận lợi do không phụ thuộc vào thời tiết, cát đá, chỉ phụ thuộc vào quyết tâm nên sẽ chỉ đạo đảm bảo trong mức ở tốp trung bình, khá của toàn quốc” – ông Tuấn thông tin.
Yêu cầu sắp đến phải cương quyết chuyển nguồn, không để nơi không có khối lượng mà lại có tiền, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cũng chỉ đạo các tổ công tác chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ để thanh toán khối lượng đã hoàn thành.
Các Sở TN-MT, KH-ĐT, Tài chính, Công an tỉnh theo dõi, giám sát và tham mưu xử lý nếu phát hiện đầu cơ, thổi giá nguyên vật liệu. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục, cấp phép các mỏ, tạo điều kiện để giảm sức ép giá nguyên vật liệu cho người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-lanh-dao-can-bo-quang-nam-xan-tay-vao-viec-3141819.html