Mẹ tôi rất yêu thích gốm Nhật. Nhưng giá bán một sản phẩm gốm sứ “chính hãng” Nhật Bản rất cao so với tiền Việt, vậy nên mẹ hay sưu tầm đồ cũ.
Khi thực tập tại Nhật, tôi muốn dành điều bất ngờ cho mẹ. Vì thế, đã bắt đầu hành trình từ tỉnh Fukui phía Tây Bắc của Nhật để đến xưởng Kutani Kosen – một trong những xưởng sản xuất gốm sứ Kutani nổi tiếng, thành lập vào đầu thế kỷ 20.
Biểu tượng nghệ thuật gốm Nhật
Xưởng Kutani Kosen vẫn tiếp tục gìn giữ và phát triển kỹ thuật chế tác truyền thống của gốm sứ Kutani. Nổi bật nhất ở đây là sản xuất các sản phẩm từ gốm truyền thống có lịch sử hơn 350 năm.
Gốm sứ Kutani – một biểu tượng của nghệ thuật gốm Nhật Bản, được sản xuất tại Kanazawa. Thành phố này cũng là nơi duy nhất sản xuất cả gốm lẫn sứ có chất lượng rất cao, phổ biến và được mọi người yêu thích.
Gốm Kutani bắt đầu từ cuối thế kỷ 17 gắn liền sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật xứ sở Phù Tang. Sự kết hợp giữa màu men và kỹ thuật vẽ tay làm cho mỗi sản phẩm trở nên độc đáo và đầy giá trị nghệ thuật, với các mẫu thiết kế màu sắc sặc sỡ và hoa văn phức tạp.
Sứ Kutani không quá xa lạ với người chơi gốm sứ Nhật tại Việt Nam. Dòng này khá dễ nhận biết với màu sắc và họa tiết đặc trưng, từ lớp men phủ cùng bảng màu sắc đa dạng: màu đỏ, vàng, xanh lá cây, tím, xanh lam… Người Nhật thường tìm cách kết hợp các màu sắc khác nhau một cách hài hòa, từ rực rỡ đến tinh tế, tạo ấn tượng sâu sắc trong mỗi sản phẩm gốm sứ.
Mỗi màu sắc không chỉ đơn thuần là họa tiết trang trí, tông màu mà còn mang theo giá trị văn hóa và tâm linh sâu sắc, đặc biệt khá gần gũi với người Việt. Ví như, màu xanh được liên kết với nước, biển cả và sự tươi mới, thường thể hiện sự an lành và sự bền vững, màu đỏ thường đại diện cho năng lượng, sức mạnh và may mắn. Bởi sự gần gũi, nhã nhặn, tinh tế nên giữa gốm Nhật – Việt có một liên kết lạ lùng.
Một phần đời sống văn hóa
Việc giao thương rộng rãi của quốc đảo với các nước đại lục và phương Tây dẫn đến văn hóa của Nhật Bản cực kỳ đa dạng. Điều này được thể hiện khá rõ trên gốm sứ.
Nghề thủ công truyền thống ở hai nước Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt là nghề gốm sứ có từ rất lâu đời. Từ buổi sơ khai, để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, người dân đã chế tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống của mình.
Theo tiến trình lịch sử, cả hai nước đã vận dụng kỹ thuật sơ khai của nước mình kết hợp với tiếp thu tiến bộ của nước ngoài, cho ra đời những sản phẩm tinh túy, chất lượng tốt hơn. Tuy cùng tiếp nhận ảnh hưởng kỹ thuật của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, nhưng nghệ nhân của hai nước đã tìm được con đường phát triển riêng phù hợp với đặc điểm của nước mình.
Chuyến tham quan xưởng Kutani Kosen không chỉ giúp tôi có cái nhìn sâu sắc về quy trình sản xuất mà còn mở ra một thế giới về nghệ thuật truyền thống. Ở đây, tôi được trò chuyện với các nghệ nhân và thợ thủ công để tìm hiểu về nguồn cảm hứng và kỹ thuật của họ.
Tôi nhận ra rằng gốm sứ với người Nhật không chỉ là mặt hàng thương mại mà còn là phần quan trọng của văn hóa và di sản… Đây là trải nghiệm tuyệt vời cho những ai yêu thích nghệ thuật và muốn khám phá truyền thống lâu đời của Nhật Bản.
Việt Nam cũng có nhiều làng gốm sứ hết sức nổi tiếng như Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng, Đông Triều… Xứ sở hoa anh đào thì có Arita và Imari thuộc vùng Kyushu, Yaki thuộc cố đô Kyoto…
Và nếu những làng gốm Việt có thể mở thêm không gian để du khách trải nghiệm cùng những sắc màu và câu chuyện của gốm như hành trình tôi ở xưởng gốm Kutani Kosen Kiln, thì tin chắc những không gian làng nghề sẽ để lại dấu ấn mạnh mẽ với du khách.
Tôi mua những chiếc đĩa, ly ngũ sắc làm quà tặng mẹ và những chiếc ly hoạt hình mang tên nhiều bộ phim nổi tiếng ở xứ sở hoa anh đào như Doraemon, Hàng xóm của tôi là Totoro… tặng em trai. Ngày về nước, niềm vui của tôi nhân lên khi nhìn thấy bất ngờ trong mắt mẹ và em…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/lang-thang-vao-the-gioi-nghe-thuat-truyen-thong-3141113.html