Kinhtedothi – Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, phát triển du lịch nông thôn cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển bền vững.
Chiều 10/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã đến dự và phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất diễn ra tại Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An.
Phó Thủ tướng cho rằng du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành “công nghiệp không khói” và xu hướng phát triển của tương lai. Hiện có rất nhiều hình thức, mô hình du lịch phong phú, đa dạng như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch chữa bệnh, đặc biệt du lịch nông thôn đang dần phổ biến và phát triển.
Du lịch nông thôn đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Đồng thời, phát triển và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Thời gian qua, Việt Nam đã quan tâm đầu tư và phát triển mạnh mẽ cho du lịch. Trong 11 tháng năm 2024, du lịch Việt Nam đã phục vụ hơn 100 triệu lượt khách nội địa và đón 15,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế trong cả năm 2024.
“Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Định hướng quan trọng chính là phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng dẫn chứng nhiều địa phương như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ và các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai các điểm du lịch nông thôn hấp dẫn, đặc trưng và có tính truyền thống. Ngoài ra, các làng Tân Hoá (tỉnh Quảng Bình), Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên), làng rau Trà Quế (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nói chung, du lịch nông thôn nói riêng. Riêng du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi như đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết, cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp… Mọi chiến lược phát triển cần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa địa phương.
Việt Nam cũng cam kết tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và UN Tourism để triển khai những sáng kiến, cách làm mới nhằm phát triển du lịch nông thôn theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”; “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”; “mỗi địa phương – một sản phẩm du lịch đặc sắc”.
Cũng tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất, UN Tourism đã trao chứng nhận làng du lịch tốt nhất năm 2024 cho Làng rau Trà Quế (TP Hội An). Làng rau được vinh danh dựa trên 9 tiêu chí gồm: Tài nguyên văn hóa và thiên nhiên; Thúc đẩy và bảo tồn tài nguyên văn hóa; Tính bền vững về kinh tế; Tính bền vững về xã hội; Tính bền vững về môi trường; Phát triển du lịch và tích hợp chuỗi giá trị; Quản trị và ưu tiên du lịch; Cơ sở hạ tầng và kết nối; Sức khỏe, an ninh, an toàn.
Làng rau Trà Quế cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam được trao chứng nhận này trong năm 2024 và là làng thứ 3 của nước ta được UN Tourism vinh danh sau làng Thái Hải (Thái Nguyên) vào năm 2022, làng Tân Hóa (Quảng Bình) vào năm 2023. Đây là cơ hội để Trà Quế từng bước trở thành điểm sáng của du lịch Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.