Vai trò của dữ liệu
Các địa phương trong cả nước đặt mục tiêu phát triển đô thị thông minh như một phần trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông, mục tiêu này không phải quá khó khăn.
Bắt đầu từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định này đã khẳng định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Hoạt động đầu tiên cho mục tiêu này bắt đầu từ hội nghị “khai thác dữ liệu – xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững”, nhấn mạnh vai trò của dữ liệu trong việc tạo ra các giải pháp thông minh cho quản lý đô thị. Đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Hơn 40 địa phương đã thiết lập trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện.
Các trung tâm này đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và điều hành các hoạt động đô thị, từ giao thông, y tế, đến giáo dục và an ninh. Các doanh nghiệp công nghệ như Viettel, VNPT, và FPT đã tích cực tham gia quá trình này. Viettel và VNPT đã hợp tác với nhiều tỉnh để xây dựng các trung tâm IOC, trong khi FPT cung cấp các giải pháp công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) để hỗ trợ quy hoạch và phát triển đô thị.
Dự án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam đã xây dựng xong các bản dự thảo tổng quan về đô thị thông minh và định hướng chiến lược đô thị thông minh cho 4 đô thị: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành.
Trong đó, riêng TP.Tam Kỳ xây dựng cụ thể 7 hợp phần của dự án, bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển nền tảng dữ liệu đô thị thông minh; dịch vụ thí điểm đô thị thông minh; xây dựng và vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh…
Cùng hệ thống cảnh báo ngập lụt sông ngòi, Tam Kỳ đã triển khai 50 vị trí giám sát tại các ngã tư, trục đường chính với 250 camera có độ phân giải cao nhằm ghi nhận hoạt động tại các tuyến đường 24/24 giờ… (L.Q)
Thách thức
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn gặp phải không ít thách thức.
Một trong những vấn đề lớn nhất là khung pháp lý còn thiếu rõ ràng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác công tư. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và triển khai các giải pháp công nghệ mới.
Ngoài ra, nhiều đô thị vẫn chưa chú trọng đến quy hoạch thông minh và cải thiện hạ tầng cơ sở. Ngay như thủ đô Hà Nội, dù là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển đô thị thông minh, cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn trong việc giải quyết các vấn đề về giao thông, ô nhiễm và dịch vụ công.
Để vượt qua những thách thức này, cần có một tầm nhìn dài hạn và chiến lược toàn diện. Việc hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển công nghệ là rất cần thiết. Đồng thời các địa phương cũng cần chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Các tỉnh thành cũng cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp công nghệ để phát triển các giải pháp thông minh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việc ứng dụng công nghệ số và khai thác dữ liệu cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mô hình đô thị thông minh.
Kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của Singapore
Theo trang Ycpsolidiance, Singapore áp dụng cách tiếp cận tích hợp công nghệ tiên tiến với quy hoạch đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Thành phố này triển khai sáng kiến Quốc gia thông minh toàn diện, tập trung vào cơ sở hạ tầng số, phân tích dữ liệu và sự tham gia của người dân.
Từ các giải pháp đô thị tích hợp sử dụng Internet vạn vật (IoT) để quản lý giao thông, quản lý chất thải và hiệu quả năng lượng, chính quyền Singapore quyết định dựa trên dữ liệu cho phép giám sát các hệ thống đô thị để có phản ứng chủ động với các thách thức như ùn tắc và ô nhiễm… (L.D)
Nguồn: https://baoquangnam.vn/lam-gi-de-xay-dung-do-thi-thong-minh-3141566.html