Việc cố gắng thu hút càng nhiều du khách ghé thăm càng tốt dẫn đến chính sách quảng bá chung chung. Chưa kể, các sản phẩm du lịch đại trà đang làm du lịch Việt Nam chỉ được nhận xét là rẻ và chưa thu hút được du khách cao cấp.
Từ phản hồi…
Câu chuyện tại một số bảo tàng chiến tranh luôn đem lại nhiều xúc động cho du khách. Tuy nhiên, một số du khách phàn nàn về việc không tiếp cận được chi tiết nội dung của bảo tàng và các hiện vật bằng tiếng Anh, cũng như thiếu thông tin về giới hạn độ tuổi và cảnh báo về những hình ảnh rùng rợn, gây sợ hãi.
Nhiều du khách dẫn theo con nhỏ không muốn con mình phải sợ hãi trước những hình ảnh bạo lực, nhưng cách sắp xếp hiện vật và hệ thống hướng dẫn của các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay thường không có sự phân chia hay cảnh báo trước cho các nội dung này.
Gần đây, Bảo tàng múa rối Thăng Long bị lọt vào danh sách những địa điểm du lịch gây chán nhất và có nhiều bình luận trái chiều.
Nghệ thuật múa rối là một loại hình văn hóa dân gian đã được bảo tồn và quảng bá rất tốt, rạp múa trong bảo tàng không nghỉ ngày nào trong suốt năm và giá vé hợp lý. Các bình luận đánh giá trên các nền tảng du lịch đều tốt, với điểm đánh giá 4.3/5 trên Google Maps từ 14.450 đánh giá.
Nhưng điều đáng chú ý là nguồn dữ liệu để xếp nhà hát này vào top địa điểm chán nhất cũng chính từ các đánh giá tiêu cực của du khách trong số 14.450 đánh giá này. Dù có lượt đánh giá trung bình lên tới 4,3, nhưng các đánh giá tích cực chủ yếu là từ khách nội địa, còn các đánh giá tiêu cực lại chủ yếu tới từ du khách quốc tế.
hững phản hồi này chủ yếu dựa trên những trải nghiệm không mong muốn của du khách: các suất diễn chỉ bằng tiếng Việt, không có phụ đề hay thông tin bằng ngoại ngữ để du khách nước ngoài có thể nắm bắt.
Du khách cũng không được cảnh báo trước rằng buổi diễn không hỗ trợ ngôn ngữ khác khi đặt vé, điều này gây khó khăn cho họ trong việc hiểu và thưởng thức chương trình, dẫn đến cảm giác nhàm chán và thất vọng. Chỗ ngồi không thoải mái, nhân viên và dịch vụ thiếu chuyên nghiệp cũng làm giảm trải nghiệm…
Lắng nghe du khách
Sự phổ biến của việc để lại đánh giá sau khi trải nghiệm dịch vụ đang làm gia tăng cạnh tranh giữa các điểm đến du lịch. Điều này cũng đồng thời góp phần thúc đẩy ngành du lịch nỗ lực thay đổi bản thân, làm mới phương thức quảng bá.
Kể cả các địa điểm nổi tiếng với hiện vật đa dạng phong phú như Bảo tàng Cố cung (Bắc Kinh, Trung Quốc) cũng phải thay đổi cách truyền thông.
Theo đó, thay vì chỉ nhắc đến các bảo vật hàng đầu – thứ mà chỉ một số ít du khách có chuyên môn hiểu được giá trị, bảo tàng này xoay sang quảng bá dựa trên những thông tin hài hước thú vị trong lịch sử. Bảo tàng này còn xây dựng hình ảnh một chú mèo đáng yêu để hỗ trợ quảng bá thu hút du khách bên cạnh những thông tin hàn lâm.
Tại Việt Nam, di tích Nhà tù Hỏa Lò là đơn vị tiên phong trong quảng bá du lịch trên nền tảng số bằng thông điểm hài hước, phù hợp với giới trẻ, dù tính chất điểm đến là một di tích cách mạng.
Việc đội ngũ truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò nhà tù nhận được giải thưởng trong năm 2023 WeChoice Awards 2023 và lượng du khách trẻ đến địa điểm này là minh chứng cho sự thành công của việc thay đổi góc nhìn trong quảng bá.
Lắng nghe và phản hồi kịp thời không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn tạo dựng niềm tin và sự trung thành từ phía khách hàng. Khi khách hàng thấy ý kiến của họ được lắng nghe và phản hồi nhanh chóng, họ sẽ cảm nhận được sự quan tâm và trân trọng từ doanh nghiệp.
Tinh thần lắng nghe cầu thị là yếu tố cốt lõi nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Khi khách du lịch phản hồi, điều đó cho thấy họ còn tin tưởng và mong muốn chúng ta thay đổi theo hướng tốt hơn. Ngược lại, nếu chất lượng dịch vụ thấp gắn chặt với thương hiệu du lịch giá rẻ, du khách sẽ chỉ nhún vai “It’s okay. It’s Vietnam” rồi chọn không quay trở lại.
Do đó, theo dõi đánh giá và thay đổi kịp thời để nâng cao chất lượng dịch vụ để không chỉ là nhiệm vụ để giữ chân du khách mà cũng là điểm mấu chốt trong phát triển bền vững của ngành du lịch.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/lam-cho-diem-den-them-thu-vi-3138999.html