Tham dự lễ có ông Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đại Lộc; đại diện lãnh đạo huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn; các tướng lĩnh, nguyên lãnh đạo tỉnh và huyện, xã qua các thời kỳ; các đồng chí lão thành cách mạng, gia đình người có công trên địa bàn.
Dựa vào vị trí chiến lược và thực lực cách mạng của địa phương, năm 1964, Tỉnh ủy Quảng Nam chọn xã Lộc Quý làm thí điểm cho phong trào Đồng khởi. Với tinh thần cách mạng của quần chúng, kết hợp sức mạnh bên ngoài và nội lực bên trong, đêm 14 rạng sáng ngày 15/8/1964, quân và dân xã nhà nổi dậy phá ấp chiến lược, cướp chính quyền, trừ gian diệt ác.
Từ đây, chính quyền tự quản của xã được thành lập, tiếp tục bắt tay vào củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng các đoàn thể quần chúng, là tiền đề để nhân dân xã bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ.
Xã Lộc Quý là nơi chịu nhiều hy sinh, mất mát, khó khăn gian khổ, địch đánh phá ác liệt nhiều lần, cày đi, xới lại nhưng nhân dân Lộc Quý có câu ca dao “Nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau”, kiên cường bám trụ “Một tấc không đi, một ly không rời”.
Từ đó, phong trào “5 xung phong, 3 sẵn sàng”, phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân đánh giặc giữ làng, mỗi xóm thôn là địa bàn chiến đấu, cả xã là một chiến trường chiến đấu… được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ.
Đặc biệt, nhân dân Lộc Quý đóng góp hàng vạn ngày công để đào hầm địa đạo Phú An – Phú Xuân với chiều dài hơn 4km. Các địa danh như cầu Ông Nở, thác Giảng Hòa, đồi Phú Phong, gò Cây Cao, Gò Hiến, Gò Đình, Giếng Đôi, Cầu Cống, Vườn Hoang, cùng những người con ưu tú như Phạm Thống, Đoàn Trị, Đoàn Quý Phi, Lâm Quang Thời, mẹ Binh, mẹ Sáu, mẹ Hòa… mãi mãi sáng ngời trong trang sử vẻ vang của quê hương.
Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc và thành tích to lớn đó, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Đại Thắng là đơn vị đầu tiên của huyện Đại Lộc vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6/11/1978.
Toàn xã có hơn 1.200 liệt sĩ, hơn 130 thương bệnh binh, 253 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 9 cá nhân được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Từ một xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đến nay kinh tế hằng năm tăng trưởng khá. Địa phương xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp. Hệ thống thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm y tế, công trình phúc lợi, dân sinh… được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần tạo ra vóc dáng của một xã nông thôn mới nâng cao.
Dịp này, xã Đại Thắng phát hành tập sách “Đại Thắng – Ký ức hào hùng” và sa bàn các cơ quan tỉnh, huyện đóng trên địa bàn xã.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ky-niem-60-nam-ngay-giai-phong-xa-dai-thang-3139538.html