Lời tri ân
“Tôi còn nhớ như in thời niên thiếu của mình, vào mỗi độ tết đến xuân về, bố mẹ lại đưa tôi đến Tượng đài chiến thắng Thượng Đức (tượng đài cũ nằm đối diện với UBND xã Đại Lãnh, Đại Lộc) để viếng hương và chụp hình lưu niệm.
Không riêng gia đình tôi, tất cả gia đình trên quê hương Đại Lãnh ngày đó không ai còn xa lạ với những bức ảnh của gia đình mình đều có hình Tượng đài chiến thắng Thượng Đức màu đỏ cam đã phủ đầy vết bụi thời gian làm nền.
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức cứ thế đi sâu vào tâm trí của người dân nơi đây và trụ vững sừng sững hàng chục năm qua trong tâm khảm và ký ức của họ”.
Đó là chia sẻ của thí sinh Lương Hoài Nam (thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng, Đại Lộc) trong bài viết dự cuộc thi “Chiến thắng Thượng Đức – Ký ức hào hùng”.
Sau 50 năm Chiến thắng Thượng Đức, theo cảm nhận của thí sinh Lương Hoài Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự đoàn kết thống nhất của nhân dân trên địa bàn huyện, vùng đất khô cằn, sỏi đá, nghèo nàn và lạc hậu trong ký ức tuổi thơ đổi thay từng ngày.
Những con đường nông thôn được trải nhựa, bê tông hóa. Cầu mới xây dựng nối đôi bờ sông Vu Gia giờ đây nhộn nhịp xe cộ. Những khu công nghiệp, cụm nhà máy hình thành hai bên quốc lộ; hoa màu xanh tốt trù phú… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Chiến thắng Thượng Đức đã vào lịch sử vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” và của cả nước với ý nghĩa trận thắng bước ngoặt, tạo đà cho chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, tiến tới cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chia sẻ cảm nhận của công chức trẻ về ý nghĩa của Chiến thắng Thượng Đức, theo đảng viên Đặng Thị Vân – chuyên viên Văn phòng Huyện ủy Đại Lộc: Thấm thoắt đã 50 năm trôi qua – khoảng thời gian đủ cho những người đã đi qua trong kháng chiến và lớp thanh niên sinh ra trong hòa bình suy ngẫm nhìn lại, cúi đầu tri ân trước sự hy sinh cao cả của biết bao anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công cách mạng, đồng bào… đã tham gia và ngã xuống trong Chiến thắng Thượng Đức.
Như một lời tri ân, với tinh thần, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử đất nước, địa phương, thí sinh Đặng Thị Vân đã nỗ lực tìm tòi tài liệu, hình ảnh… hoàn thiện bài viết bằng tất cả tình cảm, niềm tự hào và nguyện tiếp bước truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước.
Biên soạn lịch sử đưa vào giảng dạy
Sau hơn một tháng triển khai, Ban Tổ chức cuộc thi “Chiến thắng Thượng Đức – Ký ức hào hùng” đã tiếp nhận hơn 4.000 bài viết đến từ 40 tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện. Thí sinh cao tuổi nhất dự thi là 94 tuổi và nhỏ tuổi nhất là 14 tuổi.
Ông Nguyễn Hữu Vũ – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Lộc cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai cuộc thi sâu rộng đến các tổ chức đảng, tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Công tác tổ chức được thực hiện chu đáo, chặt chẽ, nghiêm túc, tránh hình thức. Việc đánh giá kết quả bảo đảm chính xác, công bằng, dân chủ, khách quan, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ.
Thông qua cuộc thi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân huyện đối với công ơn các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong chiến dịch Thượng Đức và trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, từ năm học 2004 – 2005 đến nay, nội dung lịch sử, văn hóa địa phương của huyện được biên soạn và đưa vào giảng dạy cho học sinh THCS và THPT theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT.
Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc, Chiến thắng Thượng Đức là một trong những nội dung quan trọng được biên soạn đưa vào bài giảng lịch sử địa phương. Bên cạnh đó, địa chỉ đỏ Tượng đài chiến thắng Thượng Đức luôn nằm trong hành trình về nguồn, tham quan tìm hiểu lịch sử, tổ chức nói chuyện truyền thống cho học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện.
Theo ông Nguyễn Duy Cường – Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc, nhiều đơn vị trường học chủ động tổ chức các hoạt động ngoại khóa với nội dung đa dạng, hấp dẫn như tổ chức các cuộc thi “Theo dòng lịch sử”, “Rung chuông vàng”, “Đố vui để học”, “Em yêu lịch sử Việt Nam”, “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”…
Ngoài ra, nhiều trường học còn phối hợp với đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh địa phương tổ chức nói chuyện truyền thống cách mạng dưới cờ, giao lưu với nhân chứng lịch sử nhân dịp các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước, nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào về quê hương xứ sở.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ky-niem-50-nam-chien-thang-thuong-duc-7-8-1974-7-8-2024-tuong-dai-trong-ky-uc-3139135.html